Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama và tương lai quan hệ Mỹ - Việt


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2016.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2016.

Khi đi thăm một nước khác, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thường mang theo những thông điệp và cam kết để thắt chặt quan hệ song phương.

Chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Barack Obama cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Mục đích chính của chuyến đi là tăng cường an ninh chiến lược, qua chính sách xoay trục của Mỹ; phát triển kinh tế, qua hiệp định TPP; và quảng bá những giá trị của dân chủ tự do, qua các nổ lực thúc đẩy việc thực thi quyền tự do phổ quát của con người.

Sáng ngày 23/5, tại dinh chủ tịch ở Hà Nội, với sự hiện diện của Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng thống Barack Obama đã đọc diễn văn dài hơn 10 phút nói về những hợp tác song phương mới.

Trong giáo dục, một số đại học Mỹ gồm cả Đại học Harvard sẽ giúp các đại học Việt Nam phát triển một số ngành chuyên môn. Tiếp tục tăng số sinh viên du học giữa hai nước. Đại học Fulbright đã có giấy phép hoạt động tại Việt Nam sẽ chính thức mở cửa vào mùa thu tới. Hoa Kỳ lần đầu tiên được gửi tình nguyện viên Peace Corps đến giúp giảng dạy và huấn luyện sư phạm tiếng Anh.

Về nhân đạo Mỹ tiếp tục giúp khắc phục hậu quả của chiến tranh như gỡ bom mìn, tiếp tục tẩy sạch chất độc da cam ở Đà Nẵng và lên kế hoạch làm sạch ở Biên Hòa.

Về kinh tế hãng hàng không VietJet đã ký kết hợp đồng mua 100 máy bay Boeing trị giá 11 tỉ 300 triệu đô-la. Hai bên sẽ cộng tác để hiệp định thương mại TPP được quốc hội hai nước phê chuẩn và thi hành. Đây là hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei ở Đông Á. Bắc Kinh xem TPP như một âm mưu nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Về an ninh khu vực, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này khiến Bắc Kinh bề ngoài ủng hộ nhưng trong lòng không vui, dù Tổng thống Obama nhấn mạnh Trung Quốc không phải là nguyên do khi đưa ra quyết định này.

Các nhà vận động cho nhân quyền Việt Nam cũng bất bình với việc bỏ cấm vận vũ khí. Trong buổi họp báo ông Obama nhấn mạnh việc mua bán vũ khí tùy thuộc vào nhiều điều kiện khắc khe, trong đó có nhân quyền và sẽ được Mỹ cứu xét từng đơn đặt hàng riêng biệt.

Về dân chủ và nhân quyền, Tổng thống Mỹ thừa nhận hai bên còn những khác biệt nhưng tiếp tục đối thoại. Ông Obama nói Hoa Kỳ không áp đặt thể chế kiểu Mỹ với Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, nhưng ông tin rằng khi người dân có quyền tự do phát biểu, báo chí, tôn giáo, hội họp và ứng cử – là những giá trị phổ quát toàn cầu – điều đó không đe doạ sự ổn định xã hội mà sẽ giúp đất nước phát triển hơn.

Chiều ngày 24/5, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đến nói chuyện với hơn hai nghìn thanh niên, sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Bài diễn văn dài hơn 30 phút của ông đã nhiều lần được vỗ tay tán thưởng vì sự sâu sắc qua những nét lịch sử, những tên tuổi được nhắc đến, từ Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà”, Hồ Chí Minh với “Tuyên ngôn Độc lập”, đến Ngô Bảo Châu với giải toán học; Thích Nhất Hạnh, Võ Nguyên Giáp với ý hướng hoà giải; với ca từ của Văn Cao về tình người trong “Mùa xuân đầu tiên” và Trịnh Công Sơn qua “Nối vòng tay lớn” về tinh thần đoàn kết.

Ông Obama nhắc đến Hai Bà Trưng, triết lý với Phan Châu Trinh đan xen với những lời ca ngợi vẻ đẹp của Việt Nam với vịnh Hạ Long, hang động Sơn Đoòng, phố cổ Hội An, với 36 phố phường Hà Nội qua câu chuyện ông đi ăn bún chả, uống bia tối hôm trước để tận mắt nhìn thấy sự năng động của thủ đô theo dòng xe máy tuôn chảy khiến ông nghĩ là mình không thể qua đường giữa những luồng xe như thế.

Tổng thống Obama lặp lại những hợp tác mới giữa hai nước và đặt nó vào khung sử Việt từ nhiều nghìn năm cho đến hiện tại để ôn lại quá khứ, có những nét oai hùng, có đau khổ vì chiến tranh để tiến đến hôm nay với cùng hướng nhìn về một tương lai tốt đẹp cho hai nước quốc gia.

Kết thúc bài diễn văn, ông đọc thơ Kiều để đánh dấu lòng tin trong giai đoạn mới của quan hệ hai nước: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Từ sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 21 năm, chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đánh dấu lần thứ ba một tổng thống Mỹ đến Việt Nam. Năm 2000 Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nước này kể từ sau khi chiến tranh chấm dứt, và năm 2006 là Tổng thống George W. Bush (Con).

Trong khi đó lãnh đạo Việt Nam với các Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang, và các Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm Hoa Kỳ và được đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Đặc biệt vào mùa hè năm ngoái Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Barack Obama mời thăm Hoa Kỳ và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã gặp gỡ với nhà lãnh đạo Mỹ tại Bạch Ốc.

Nhìn vào nghi thức đón tiếp và số lần lãnh đạo các nước gặp nhau hay thăm viếng song phương, giới quan sát có thể định được sự nồng ấm trong quan hệ đang ở mức nào.

Lãnh đạo Việt Nam thăm Hoa Kỳ, và ngược lại khi lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam, đều không có bắn súng đại bác chào đón hay quốc yến, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình năm ngoái đến Mỹ đã được đón tiếp với đầy đủ nghi thức lễ tân cao nhất.

Năm ngoái Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Đối ngoại Hoàng Bình Quân ra đón tại sân bay và sau đó được Hà Nội đón tiếp bằng 21 phát đại bác, quốc yến, và nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã đọc diễn văn trước Quốc hội Việt Nam.

Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào đêm 22/5. Ra đón ông ở sân bay có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và mấy vụ trưởng, cục trưởng.

Hà Nội trịnh trọng đón ông Tập còn dân chúng lại thờ ơ và đã có biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn phản đối lãnh đạo Trung Quốc. Tổng thống Obama không được đón tiếp với lễ tân cao cấp nhất, nhưng đoàn xe của ông đi đến đâu cũng có dân đổ ra hai bên đường chào đón.

Nhà nước hồ hởi với lãnh đạo Trung Quốc, ít mặn mà với lãnh đạo Hoa Kỳ trong khi người dân thì ngược lại.

Theo thăm dò năm 2015 của Pew Global, có đến 78% người Việt ưa thích Hoa Kỳ.

Trong buổi gặp gỡ người Mỹ gốc Việt ở San Jose vào mùa hè năm ngoái, Đại sứ Mỹ Ted Osius cho biết, theo một cuộc thăm dò nội bộ thì 92% người Việt ở mọi lứa tuổi, từ mọi miền đất nước, muốn có quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, và theo cách nhìn của đa số dân Việt, quốc gia có ảnh hưởng quan trọng đối với tương lai Việt Nam là Hoa Kỳ đứng đầu bảng, kế đó là Nhật Bản, Nga, cuối cùng là Trung Quốc.

Là nhà ngoại giao đã phục vụ tại Việt Nam từ khi hai nước nối lại quan hệ, Đại sứ Osius nói rằng giới trẻ ở Việt Nam ngày nay muốn đất nước của họ được phát triển như Mỹ, chứ không muốn giống Trung Quốc.

Hôm tháng Tư vừa qua, trong buổi đón tiếp cô Vũ Minh Khánh sang Mỹ vận động cho sự tự do của chồng là luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài đang bị giam tù, bà dân biểu Zoe Lofgren thuộc nhóm Vietnam Caucus trong Quốc hội Mỹ cũng kể rằng, khi đến Việt Nam bà đã có dịp tiếp xúc với nhiều người và thấy đại đa số dân chúng Việt Nam muốn đất nước họ có quan hệ tốt với Hoa Kỳ.

Ngay trước ngày nhà lãnh đạo Mỹ đi Việt Nam, hôm 20/5/16 một nhóm 40 trí thức và nhân sĩ trong đó có giáo sư Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà thơ Hoàng Hưng, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, linh mục Huỳnh Công Minh, nhà báo Tống Văn Công v.v… đã gửi thư cho Tổng thống Obama nêu lên quan ngại về chính sách bá quyền của Trung Quốc đối với một số lãnh đạo Việt Nam, cùng hành động hung hăng trên Biển Đông, nên đã thỉnh cầu Mỹ bỏ cấm vận vũ khi sát thương và họ hiểu rằng điều đó đi đôi với việc Hà Nội tôn trọng các quyền căn bản của dân mà nhiều người Việt cũng đang lên tiếng đòi hỏi.

Những người ký tên vào lá thư hy vọng sự có mặt của Tổng thống Obama tại Việt Nam sẽ là bước đột phá cho cơ hội thay đổi tại Việt Nam, như khẩu hiệu “Change – Yes, we can” của ông Obama đưa ra khi tranh cử cách đây tám năm, mà nay “đã trở thành phương châm hành động của chúng tôi trong cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ mà chúng tôi đang dấn bước”. Phần kết của lá thư viết.

Một quốc gia được coi là bạn của Hoa Kỳ khi có chung tầm nhìn về vị trí chiến lược, về quyền lợi kinh tế và về những giá trị phổ quát của tự do và dân chủ. Ba yếu tố đó làm nên thế chân kiềng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi Việt Nam của Tổng thống George W. Bush năm 2006, mười năm sau mới có một tổng thống Mỹ đến thăm. Nếu cho rằng quan hệ Mỹ - Việt là nồng ấm thì đó là khoảng thời gian quá lâu để cho một lãnh đạo Hoa Kỳ thăm Việt Nam, khi mà Tổng thống Obama đã công du châu Á cả chục lần trong hai nhiệm kỳ.

Nay với nền tảng quan hệ mới được đặt ra trong chuyến đi tuần này của Tổng thống Barack Obama, hy vọng trong tương lai gần sẽ có những tiến bộ đột phá giúp cho lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ, là Donald Trump hay Hillary Clinton, sớm có cơ hội đến Việt Nam để củng cố thêm cho quan hệ song phương.

Để có những đột phá trong quan hệ Mỹ - Việt tùy thuộc vào Hà Nội và chính người dân Việt nếu họ muốn làm nên lịch sử.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG