Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký LHQ nói Nga phải tuân thủ các chế tài đối với Triều Tiên


Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hội kiến tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 19 tháng 6 năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hội kiến tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 19 tháng 6 năm 2024.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày thứ Sáu nói Nga phải tuân thủ các chế tài của LHQ đối với Triều Tiên sau khi hai nước trong tuần này tăng cường quan hệ và nhất trí cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai nước đối diện một sự gây hấn vũ trang.

Hiệp ước này - được kí bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Tư - theo sau những cáo buộc của Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng đang chuyển vũ khí cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, nước mà Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận các cáo buộc này .

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp vào ngày 28 tháng 6 về vấn đề Triều Tiên theo yêu cầu của Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước muốn thảo luận về việc Bình Nhưỡng chuyển giao vũ khí vi phạm các nghị quyết của hội đồng.

Triều Tiên đã chịu các chế tài của LHQ kể từ năm 2006 vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân, và những biện pháp đó đã được tăng cường trong những năm qua - với sự ủng hộ của Nga.

“Có những chế tài đã được Hội đồng Bảo an chấp thuận liên quan đến Triều Tiên,” ông Guterres nói với các phóng viên hôm thứ Sáu. “Bất cứ mối quan hệ nào mà bất kì nước nào có với Triều Tiên, bao gồm cả Liên bang Nga, đều phải tuân thủ hoàn toàn các chế tài đó.”

Phái bộ Nga tại LHQ từ chối bình luận về phát biểu của ông Guterres.

Mấy năm qua, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị chia rẽ về cách thức đối phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc cho rằng áp đặt thêm chế tài sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp như vậy được nới lỏng. Họ đề xuất dỡ bỏ một số biện pháp vào tháng 12 năm 2019 nhưng chưa bao giờ đưa dự thảo nghị quyết của mình ra biểu quyết.

Vào tháng 5 năm 2022, hai nước này phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các chế tài của LHQ lên Triều Tiên vì các vụ phóng phi đạn đạn đạo mới của nước này. Nga sau đó phủ quyết vào tháng 3 việc gia hạn một hội đồng chuyên gia giám sát việc thực thi các chế tài của LHQ.

Trước khi hội đồng giải thể vào cuối tháng 4, ba trong số các chuyên gia đã tới Ukraine và - trong một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an mà Reuters xem được - đã xác định rằng các mảnh vỡ từ một phi đạn rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine vào ngày 2 tháng 1 là từ phi đạn đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow tiếp tay cho Triều Tiên bằng cách che chắn nước này khỏi phải chịu thêm các chế tài.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG