Đường dẫn truy cập

TQ, ASEAN lần đầu diễn tập cứu hộ giữa lúc có những tranh chấp


Một tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore (ảnh tư liệu, 2015)
Một tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore (ảnh tư liệu, 2015)

Hải quân của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã tổ chức cuộc diễn tập mô phỏng trên máy tính đầu tiên để có thể cùng nhau ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, đồng thời xây dựng lòng tin trong bối cảnh còn tồn tại các cuộc tranh chấp trên Biển Đông vẫn kéo dài bấy lâu nay.

Cuộc diễn tập hai ngày đã kết thúc hôm 3/8 với sự tham gia của hơn 40 thủy thủ đến từ Trung Quốc và 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Những người tham gia hợp tác với nhau trong các tình huống tìm kiếm và cứu nạn sau một vụ va chạm tàu giả định.

Hải quân Singapore đăng cai cuộc diễn tập này tại một trung tâm huấn luyện thuộc căn cứ hải quân Changi, ở đó, các sĩ quan điều phối việc triển khai lực lượng và điều khiển máy bay trực thăng hạ cánh trên các tàu hải quân. Họ theo dõi các diễn biến trên ba màn hình lớn, trong đó có một màn hình cho thấy vị trí va chạm giữa một tàu chở dầu, được cho là đã bốc cháy, và một chiếc tàu chở khách bị chìm làm cho nhiều người trôi dạt trên biển.

Theo lời Đại tá Lim Yu Chuan thuộc hải quân Singapore, cuộc diễn tập này là phần mở màn thành công cho cuộc diễn tập thực tế trên biển được lên kế hoạch diễn ra trong tháng 10 năm nay ở Trung Quốc.

Hạm trưởng Liang Zhijia thuộc hải quân Trung Quốc nói với các phóng viên: "Cuộc diễn tập này có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu quân sự và hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, thúc đẩy lòng tin lẫn nhau giữa chúng tôi".

Ban tổ chức không liên kết trực tiếp cuộc diễn tập với các tranh chấp lãnh thổ đã leo thang sau khi Trung Quốc bồi đắp 7 bãi cạn trong vòng tranh chấp thành các đảo nhân tạo, 3 trong số đó có đường băng. Hiện các hòn đảo nhân tạo này không khác mấy các căn cứ quân sự với những tòa nhà và vũ khí, kể cả tên lửa đất đối không, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, các thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực tranh chấp. Trong cuộc đối đầu đẫm máu nhất, Trung Quốc đã đụng độ với các lực lượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974, khiến 74 quân nhân miền Nam Việt Nam thiệt mạng. Một cuộc đụng độ khác xảy ra vào năm 1988 tại quần đảo Trường Sa, vùng có nhiều tranh chấp nhất ở Biển Đông, đã khiến hơn 60 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG