Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện một sứ mệnh có tính đột phá vào sáng sớm ngày 8/12, theo đó họ sẽ cho một tàu vũ trụ đáp xuống phần tối chưa được khám phá của mặt trăng, thể hiện tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, cạnh tranh với Nga, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.
Với việc phóng tàu Hằng Nga 4, Trung Quốc hy vọng sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện thành công việc đáp xuống như vậy. Phía bên kia mặt trăng còn gọi là phần tối vì nó khuất khỏi trái đất và nói chung vẫn chưa có nhiều thông tin về nó.
Nếu thành công, chuyến bay dự kiến thực hiện bằng tên lửa Trường Chinh 3B sẽ đưa chương trình vũ trụ Trung Quốc lên một vị trí hàng đầu trong một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của việc thăm dò mặt trăng.
Trung Quốc đã cho tàu Thỏ Ngọc đáp xuống mặt trăng cách đây 5 năm và dự định đưa tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên đó vào năm tới và đưa nó trở lại trái đất với các mẫu - lần đầu tiên được thực hiện từ năm 1976. Họ cũng đang cân nhắc thực hiện một chuyến bay có con người tới mặt trăng.
Hằng Nga 4 cũng là hoạt động kết hợp có cả tàu đổ bộ và xe thăm dò để tìm hiểu cả trên và dưới bề mặt mặt trăng sau khi tàu đáp xuống hố trũng Von Karman ở khu vực Nam Cực-Aitken sau một chuyến đi dài 27 ngày.
Nó cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu thiên văn vô tuyến, mà nhờ nó ở phần mặt trăng luôn luôn không hướng về trái đất nên sẽ “không bị nhiễu từ tầng điện ly của trái đất, hay từ các tần số vô tuyến nhân tạo và nhiễu bức xạ vùng cực”, chuyên gia ngành vũ trụ Leonard David viết trên trang web Space.com.
Tàu cũng có thể mang theo hạt giống thực vật và trứng tằm, theo Tân Hoa Xã.
(AP)