Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần này yêu cầu các nhóm tôn giáo cam kết trung thành với đất nước và cảnh báo rằng các tôn giáo ở Trung Quốc phải độc lập khỏi ảnh hưởng nước ngoài. Ở vào thời điểm khi mà các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc hiện đông hơn số thành viên của Đảng Cộng Sản, một số người nói rằng sẽ có một cuộc đàn áp mạnh mẽ các nhóm tôn giáo. Thông tín viên Bill Ide có thêm chi tiết từ Bắc Kinh.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc chính thức theo chủ nghĩa vô thần và từ lâu xem tôn giáo là mối đe dọa đối với sự cai trị của họ.
Công dân Trung Quốc bị ngăn cản tham dự các buổi lễ tôn giáo cùng với người nước ngoài và công việc truyền giáo bị cấm. Trung Quốc cũng bác bỏ các sắc phong từ nước ngoài tại các nhà thờ, chẳng hạn như những sắc phong của Toà thánh Vatican.
Nhưng bất chấp tất cả sự kiểm soát, niềm tin tôn giáo đang lan rộng. Ước tính hiện có khoảng 100 triệu người Thiên Chúa giáo, nhiều hơn tổng số thành viên của Đảng Cộng Sản. Trong số những thành viên của Đảng Cộng Sản, có sự gia tăng đột ngột sự yêu thích Đạo Phật và các đạo khác.
Phát biểu tại một buổi họp cấp cao vào đầu tuần này, chủ tịch Tập Cận Bình nói: “cần thực hiện những nỗ lực hoạt động để kết hợp các tôn giáo vào xã hội xã hội chủ nghĩa”.
Tin từ những người đã từng trải ở Trung Quốc, về việc nhà cầm quyền đàn áp như thế nào, cho rằng không có gì ngạc nhiên là dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình chính quyền đã liên tục tăng cường giám sát các nhóm tôn giáo. Các nhân viên cứu trợ Thiên Chúa giáo cũng cảm thấy họ phải chịu sự xem xét kỹ lưỡng hơn, cùng với mối đe dọa bị giam giữ hoặc trục xuất.
“Giới lãnh đạo cảm thấy lo lắng khi sự phát triển của Thiên Chúa giáo trở nên rõ ràng, hay khi bất cứ một phong trào xã hội nào phát triển theo cấp số nhân, giống như Thiên Chúa giáo hiện nay”, một nguồn tin nói.
Một trong những cách mà chính quyền đang cố làm để kết nạp tôn giáo là thúc đẩy thiết lập nguyên tắc pháp quyền hay điều mà một số người gọi là “cai trị bằng pháp luật”. Tại tỉnh Chiết Giang, một nỗ lực lớn đang được tiến hành nhằm dỡ bỏ các thánh giá khỏi các nhà thờ.
Ông Bo Fu, một linh mục và là người sáng lập tổ chức China Aid, một nhóm chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho người Công Giáo ở Trung Quốc, cho biết trong khoảng hơn một năm qua, gần 1000 nhà ở thờ Chiết Giang, hầu hết đã được nhà nước cho phép, hoặc đã bị phá bỏ hoặc bị ép gỡ bỏ thánh giá.
“Đặc biệt, sự đàn áp và bức hại nhắm vào đạo Công Giáo đã thực sự tăng lên đến mức độ mà có thể là tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Loại đàn áp trên các nhà thờ đã được nhà nước cấp phép là tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Ông Fu cho biết một số người cho rằng cuộc đàn áp là một nỗ lực của Bí thư Đảng Cộng Sản Chiết Giang, ông Hạ Bảo Long, nhằm lấy lòng và có thể có được chức vụ cao hơn trong chính quyền. Ông Fu nói ông tin rằng đây là một nỗ lực của chính quyền để thử nghiệm các biện pháp để kiềm chế Công giáo trong phần đất nước, vốn có số tín hữu rất cao.
“Dùng Chiết Giang như là một thí điểm để xem phản ứng của cộng đồng tôn giáo địa phương mạnh cỡ nào, đặc biệt là cộng đồng Công Giáo địa phương và phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ ra sao. Đây là một dạng thử nghiệm cho bước tiếp theo để áp dụng vào cấp độ quốc gia”.
Ông Francesco Sisci, một nhà phân tích Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói rằng sự tập trung của Chủ tịch Tập Cận Bình vào việc nhổ tận gốc ảnh hưởng của nước ngoài là cũ rồi. Ông nói một sự thay đổi mới có lẽ là sự tập trung vào vai trò tích cực của các lãnh đạo tôn giáo trong việc cổ súy một xã hội hài hòa.
Tân Hoa Xã cho biết trong bài phát biểu, ông Tập thừa nhận sự đóng góp của tín đồ tôn giáo và nói ông sẽ khuyến khích họ tiếp tục làm việc cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của Trung Quốc, cũng như sự đoàn kết các nhóm sắc tộc và sự thống nhất của đất nước.
Ông Sisci cho biết trong quá khứ, đảng đã từng đề cập đến vai trò tích cực của các lãnh đạo tôn giáo, nhưng bài phát biểu của Chủ tịch Tập lại khác:
“Đây là một bước xa hơn, cho rằng các nhân vật tôn giáo, các linh mục hay bất cứ những người đó là ai đi nũa, phải đóng một vai trò lớn hơn, điều này với tôi quan trọng hơn là các lực lượng nước ngoài”.
Ông Sisci cho rằng mặc dù có thể xem xét bài phát biểu ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực, tùy theo quan điểm mỗi người, ông thấy một cơ hội cho sự tự do hơn với việc tập trung vào nguyên tắc pháp quyền và vai trò mà các lãnh đạo tôn giáo đang được yêu cầu đóng góp.
Ông nói thêm rằng điều đó có nghĩa là các lực lượng cũ vẫn sẽ cố để kiềm chế bất cứ những suy nghĩ mới về tôn giáo.