Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan báo chí của nhà nước Trung Quốc, hôm 14/3 nói ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump là một ví dụ điển hình về sự nguy hiểm của dân chủ. Người Việt nói gì về nhận định này của Bắc Kinh? Họ nghĩ sao về tính dân chủ trong bầu cử ở Mỹ?
Hoàn Cầu Thời Báo mô tả tỷ phú địa ốc Donald Trump, ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, là một ‘ứng viên giàu có, kỳ thị và khích động’, với những lời phát biểu đầy tính ‘kỳ thị và cực đoan’.
Bài xã luận hôm 14/3 của Hoàn Cầu Thời Báo còn nói “Mussolini và Hitler cũng giành được quyền lực thông qua bầu cử, một bài học đắt giá cho dân chủ phương Tây”.
Bài viết, theo nhận định trên tờ Quartz, mang lại cho người đọc cảm giác nước Mỹ là một thế lực tiềm ẩn khó lường gây bất ổn cho thế giới vì bản chất hỗn loạn của dân chủ. Trong khi đó người Trung Quốc nên cảm thấy biết ơn dưới sự cai trị rất ‘trật tự’ của đảng Cộng sản.
Hải Di, một bạn trẻ người Việt sống ở Na Uy, cho rằng việc báo Trung Quốc so sánh hiện tượng Donald Trump với sự ra đời của các nhà độc tài, phát xít thế giới trước đây là không phù hợp, dù cô thừa nhận mình cũng không thích ông Trump.
“Em không ưa Donald Trump! Thứ nhất là ổng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phân biệt phụ nữ, xúc phạm người khác. Và khi ổng tranh luận, ổng hoàn toàn không nói về chính sách mà toàn đánh cá nhân”.
“Khi so sánh với Hitler thì em thấy không phù hợp vì thời của Hitler không thực sự được tự do như bây giờ. Hitler đâu phải chỉ thắng bằng bầu cử đâu, ổng còn chơi ăn gian, tìm cách phá đảng này đảng khác…”
Phản ánh sự tức giận tức thời
Hải Di cho rằng sự thắng thế hiện nay của ông Trump trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa chỉ phản ảnh sự tức giận tức thời của một số dân chúng Mỹ.
“Trung Quốc mạnh lên, Nga mạnh lên, ISIS mạnh lên mà Mỹ có vẻ yếu đi thì em nghĩ nó phản ảnh sự giận dữ đó, đặc biệt là có một số người cũng giận dữ chuyện ‘political correctness’ (đúng đắn chính trị), rồi chuyện ‘migrant crisis’ (khủng hoảng tị nạn)… thì nó phản ánh sự giận dữ đó. Nhưng về lâu dài, có nhiều người ủng hộ ông Trump không lại là chuyện khác. Nhưng cái mình thấy được là trong chế độ dân chủ, mọi người được nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra, thấy tất cả mọi người ứng cử ra debate (tranh luận). Họ cho biết quan điểm là gì, chính sách là gì, thì cái đó là cái không có trong chế độ độc tài”.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Phó chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở Bắc California, Mỹ, nói cá nhân ông cho rằng sở dĩ ông Trump thắng thế là do đã ‘đánh trúng tâm lý’ của một số đông dân chúng ở Mỹ. Họ đã chán ngán với những ứng viên thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ thường bị lệ thuộc phần nào vào đường lối, chủ trương của đảng, còn ông Trump vì ‘dựa vào tiền túi’ nên có thể phát ngôn tùy thích.
Ông Nhân thừa nhận dân chủ của Mỹ cũng có những mặt ‘nguy hiểm’, nhưng không phải trong vấn đề bầu cử.
“Theo tôi, cái dân chủ bên nước Mỹ cũng có những cái nguy hiểm chứ không phải không. Cái nguy hiểm mà tôi thấy vừa rồi, ví dụ như kế hoạch mình muốn chuẩn bị đánh chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ, mà báo chí bắt chương trình đó phải show (đưa ra cho thấy) cho báo chí thì tôi thấy tất cả những bí mật quốc phòng như vậy mà bị lộ ra ngoài thì cuộc chiến đó không đem lại kết quả như ý muốn. Thành ra tôi thấy dân chủ quá cũng có những vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên với vấn đề bầu cử, tôi nghĩ ông tổng thống nào cũng vậy, người ta cũng có đường lối, chủ trương và mục đích của người ta. Thành ra nếu ông tổng thống muốn cái này, cái kia, cái nọ, mà Quốc hội hoặc Thượng viện không đồng ý thì tôi nghĩ chuyện đó ổng cũng không làm được khác hơn. Thành ra chuyện đó cũng đâu xảy đến nguy hiểm”.
Độc tài đáng sợ hơn
Đạo diễn Song Chi, hiện đang sống tại Na Uy nhưng rất quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ, nhận xét:
“Ngay cả ông (Donald Trump) có trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa đi nữa thì tôi cũng không nghĩ dân chủ Mỹ là đáng sợ. Bởi vì thứ nhất, họ cho thấy ở Mỹ ai cũng có quyền ra ứng cử. Và trong quá trình ra ứng cử như vậy thì sẽ thấy rõ toàn bộ con người, phẩm chất, năng lực của anh sẽ thể hiện ra trước cử tri trên tất cả các phương tiện truyền thông, những lời phát biểu, những việc anh làm và những cuộc debate (tranh luận) chẳng hạn, thì ta sẽ thấy rõ ràng con người của từng người như thế nào. Sau đó, cử tri họ sẽ lựa chọn. Rồi không phải cử tri không mà còn có những siêu đại biểu nữa, thành ra không phải đơn giản để trở thành một tổng thống”.
Đạo diễn Song Chi nói với hệ thống bầu cử của Mỹ, nó cho phép tất cả mọi người, dù là cực tả hay cực hữu, ai nấy đều có cơ hội thể hiện mình. Sau khi trải qua quá trình thể hiện mình và được người dân lựa chọn, tân tổng thống cũng không được phép quyết định tất cả mọi việc.
“Và kể cả nếu họ có quyết định một số lớn việc đi chăng nữa, thì sau 4 năm người ta cũng cho họ xuống chứ không ngồi đó mãi mãi được. Những quốc gia độc tài bao giờ cũng đáng sợ hơn nhiều, không đi qua một quá trình chọn lựa nào cả, cái người ngồi ở trên đó không hề đại diện cho người dân, cũng không đại diện cho mong muốn, nguyện vọng của người dân chọn họ. Và khi họ ngồi đó rồi, ví dụ như ở Việt Nam chẳng hạn là ‘đảng cử, đảng bầu’, sau đó họ ngồi đó và ngồi rất lâu, ví dụ như vậy. Do đó chế độ độc tài bao giờ cũng đáng sợ hơn rất nhiều”.
Dù tỷ phú địa ốc đang trên đà thắng thế, nhưng đạo diễn Song Chi không tin đa số người Mỹ cuối cùng sẽ chọn ông Donald Trump làm tổng thống sắp tới của họ.
Hệ thống kiểm soát
Trong khi đó, Luật sư Lê Văn Luân từ Hà Nội nói dân chủ của Mỹ đôi khi bị gọi là ‘điên rồ’ khi cho phép những phản biện, tranh luận kéo dài quá mức khi có sự bất đồng về một dự luật nào đó chẳng hạn.
Vị luật sư tự ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa tới cho rằng sự ‘kỳ thị và cực đoan’ của ông Donald Trump chỉ là vấn đề về tư tưởng vì nước Mỹ đề cao tự do tư tưởng một cách tuyệt đối. Mọi người hoàn toàn có thể yêu, thích, ghét và cực đoan về bất cứ điều gì. Những phát biểu mang tính ‘kỳ thị và cực đoan’ của ông Trump, theo LS. Luân, là cách ông thu hút cử tri về phía mình, còn để những điều đó trở thành hiện thực lại là chuyện khác, không đơn giản nằm ở những phát ngôn trong lúc vận động tranh cử.
LS. Luân nói:
“Thể hiện tư tưởng là một chuyện, nhưng vấn đề hoạt động thì lại liên quan đến luật pháp, ở hệ thống phân bổ, kiềm tỏa, đối trọng quyền lực thì lại không để cho người ta tự do một cách, như tôi nói là ‘điên rồ’ để gây hại đến an ninh quốc gia hay những vấn đề lớn của dân tộc Mỹ”.
Cuối bài viết, Hoàn Cầu Thời Báo không quên cảnh báo Mỹ ‘nên xem lại mình để đừng biến thành một trong những thế lực phá hoại chống lại hòa bình thế giới, thay vì chỉ trích các nước khác về điều mà họ gọi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay độc tài'.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy ông Trump hiện dẫn đầu khá xa so với các đối thủ khác trong đảng Cộng hòa ở Florida và được ủng hộ ngang ngửa với Thống đốc John Kasich ở bang Ohio.