Đường dẫn truy cập

Trúc Hồ, ‘Sea of Black’ và cảm hứng Hong Kong


Biển người áo đen trong các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong
Biển người áo đen trong các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong

Trúc Hồ, nhạc sỹ nổi tiếng của người Việt hải ngoại hiện đang sống ở Quận Cam, California, nói với VOA ông ‘hâm mộ tinh thần của giới trẻ Hong Kong’ và ‘ước mong giới trẻ Việt Nam cũng đứng lên đòi những quyền tự do cho mình’.

Nhạc sỹ Trúc Hồ cũng vừa sáng tác một bài hát bằng tiếng Anh có tựa đề ‘Sea of Black’, tức ‘Biển người Áo đen’, cổ động cho cuộc biểu tình của giới trẻ Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ mà chính quyền bà Carrie Lam dự định thông qua.

Lời điệp khúc của bài hát này kêu gọi ‘Tự do, Dân chủ - đó là những gì chúng tôi muốn’ và trong bài hát có bày tỏ hy vọng ‘Hong Kong hôm nay – Việt Nam ngày mai’.

Trao đổi với VOA, ông Trúc Hồ nói khi viết những lời về ‘tự do, dân chủ’, ông nghĩ đến Việt Nam.

“Đó là nỗi lòng của tôi. Người dân sẽ đứng lên đấu tranh cho những gì họ tin vào – đó là tự do và dân chủ,” ông bày tỏ.

Khi được hỏi ‘Việt Nam ngày mai’ mà ông viết trong bài hát có nghĩa như thế nào, ông nói: “Việt Nam ngày mai là chúng ta sẽ thấy những người trẻ đứng lên đòi những quyền của mình.”

“Tất nhiên người dân Việt Nam phải nhìn sang Hong Kong để học hỏi những kinh nghiệm về tổ chức,” ông nói thêm. “Nếu chúng ta không đứng lên đấu tranh từ hôm nay thì tương lai đất nước chúng ta sẽ tối tăm.”

Nhạc sỹ Trúc Hồ, vốn cũng từng có bài hát ‘Đáp lời Sông núi’ nhằm kêu gọi người dân trong nước đấu tranh, cũng nói là ông không ngại bị cáo buộc ‘là kích động’.

“Tôi sáng tác trước hết là cho mình. Nếu là giúp được cho đời thì đó là niềm vui.”

Trả lời câu hỏi là nếu như cuộc sống trong nước đang yên bình, kinh tế phát triển thì có nhu cầu phải tranh đấu như Hong Kong hay không, người nhạc sỹ không đồng ý và nói rằng ‘dư luận viên hướng dẫn mọi người có suy nghĩ như vậy’.

“Công tâm mà nói nhiều người từng vượt biên sau về Việt Nam nói đất nước hiện nay so với sau 1975 có những tiến bộ đáng kể,” ông nói. “Nhưng những tiến bộ đó không phục vụ người dân. Bất công vẫn xảy ra hàng ngày.”

“Những người được ân sủng của chế độ thì họ sống khỏe, có nhiều tiền, họ có thấy gì đâu mà phải đứng lên,” Trúc Hồ nhận định.

Khi được hỏi tại sao nếu cuộc sống trong nước nhiều bức bối mà cho đến nay vẫn không có những cuộc biểu tình phản đối ở quy mô lớn như Hong Kong, ông giải thích rằng ‘người dân trong nước mấy chục năm qua đã bị nhồi sọ’.

Ông dẫn chứng là khi còn nhỏ còn ở trong nước (Trúc Hồ ở Việt Nam cho đến năm 11 tuổi) thì ‘đen tối vô cùng’ và ‘không có quyền tự do nào hết’.

“Bây giờ bắt đầu có. Lãnh đạo Việt Nam chỉ để người dân hơi đuối một chút rồi mở ra cho họ thở. Mỗi lần mở ra cho thở như vậy thì người dân cảm thấy được rồi chứ so với ngày xưa khổ hơn nhiều,” ông giải thích.

“Ở trong nước đã có một số người có tư tưởng tự do dân chủ mặc dù không nhiều như Hong Kong,” ông nói thêm. “Muốn thay đổi không cần phải cả đất nước mà chỉ cần một số người có tư tưởng như vậy, chỉ cần họ chinh phục được những người khác.”

Về bài ‘Sea of Black’, ông cho biết khởi sự sáng tác khi sang Hong Kong hồi năm 2014 để chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng Dù vàng. Khi đó ông đã có cảm hứng viết đoạn điệp khúc.

Sau đó điệp khúc này được để sang một bên cho đến khi ông nhìn thấy biển người áo đen trong cuộc biểu tình hồi tháng trước ở Hong Kong, ông đã có cảm hứng hoàn thành bài hát.

Ông nói cảm hứng để ông viết bài hát còn là lấy từ ‘cuộc biểu tình chống luật đặc khu, luật an ninh mạng’ ở trong nước Việt Nam hồi mùa Hè năm 2018.

Ông cho biết bài hát sau khi phát trên YouTube đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả Hong Kong và nói ông ‘sẽ rất vui’ nếu bài hát của ông được giới trẻ Hong Kong sử dụng trong các cuộc xuống đường tranh đấu.

“Họ có sự chuẩn bị chu đáo, thông minh, sáng tạo, có sự dấn thân của một thế hệ. Họ tin tưởng vào những quyền mà họ phải có và thấy cần phải đấu tranh cho họ ngày hôm nay và cho thế hệ sau,” ông nói về cảm nhận của ông đối với giới trẻ Hong Kong hồi năm 2014.

Về cuộc biểu tình lần này, mặc dù không chứng kiến tận mắt, người nhạc sĩ cũng khen ngợi là ‘tổ chức rất tốt’ mặc dù ‘có thể có một nhóm giả vờ trà trộn vào để biến cuộc biểu tình bất bạo đồng thành bạo động’, Trúc Hồ nói với ý nhắc đến hành động tấn công vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong của người biểu tình hôm 1/7.

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG