Đường dẫn truy cập

Trường đại học Hong Kong dỡ bỏ bức tượng tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn


Bức tượng tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn này được đặt trong khuôn viên Đại học Hong Kong
Bức tượng tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn này được đặt trong khuôn viên Đại học Hong Kong

Một trường đại học hàng đầu của Hong Kong đã tháo dỡ và di dời một bức tượng khỏi khuôn viên trường mà trong hơn hai thập kỷ đã tưởng niệm những người biểu tình đòi dân chủ thiệt mạng trong cuộc đàn áp Thiên An Môn của chính quyền Trung Quốc vào năm 1989.

Tác phẩm nghệ thuật này, ở dạng tượng bán thân và thể hiện sự đau khổ, là một trong số ít các đài tưởng niệm công khai còn lại ở xứ từng là thuộc địa của Anh để tưởng nhớ cuộc đàn áp đẫm máu vốn là chủ đề cấm kỵ ở đại lục, nơi không ai được tưởng niệm công khai.

Được gọi là ‘Trụ cột Ô nhục’, bức tượng là biểu tượng then chốt của các quyền tự do rộng rãi được hứa hẹn với Hong Kong khi lãnh thổ này được trao trả lại Trung Quốc vào năm 1997, vốn phân biệt trung tâm tài chính toàn cầu này với phần còn lại của Trung Quốc.

Hong Kong có truyền thống tổ chức các buổi thắp nến hàng năm lớn nhất thế giới để tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn.

Hội đồng Đại học Hong Kong (HKU) cho biết trong một tuyên bố vào đầu ngày 23/12 rằng họ đã đưa ra quyết định dỡ bỏ bức tượng trong cuộc họp một ngày trước đó, ‘dựa trên tư vấn pháp lý bên ngoài và đánh giá rủi ro vì lợi ích tốt nhất của trường đại học’.

“Hội đồng HKU đã yêu cầu đưa bức tượng vào kho và trường nên tiếp tục tham vấn pháp lý về bất kỳ hành động thích hợp nào sau đó”, tuyên bố cho biết.

Vào tối ngày 22/12, các nhân viên bảo vệ đã đặt rào chắn màu vàng xung quanh tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao tám mét và nặng hai tấn.

Hai nhà báo Reuters đã nhìn thấy hàng chục công nhân đội mũ cứng vàng bước vào khu vực bức tượng, được phủ tấm nhựa trắng ở mọi phía và đang được hàng chục nhân viên an ninh bảo vệ.

Tiếng động lớn từ các thiết bị điện và dây xích phát ra từ khu vực đã bị rào chắn trong vài giờ trước khi các công nhân được nhìn thấy mang phần nửa trên của bức tượng và cẩu nó về phía một container đang chờ.

Một chiếc xe tải sau đó đã lái container đi vào sáng 23/12. Địa điểm đặt tượng được phủ các tấm nhựa trắng và được bao quanh bằng rào chắn màu vàng. Nhân viên trường sau đó đã đặt những chậu hoa Trạng nguyên, một vật trang trí Giáng sinh phổ biến ở Hong Kong, quanh các rào chắn.

Vài tháng trước, đại học này đã gửi yêu cầu pháp lý cho những người coi sóc bức tượng, nhóm tổ chức các buổi thắp nến hàng năm vào ngày 4/6 và kể từ đó đã tự giải tán trong khi đối mặt một cuộc điều tra an ninh quốc gia, để yêu cầu dỡ bỏ bức tượng.

Một bảo tàng ngày 4/6 đã bị cảnh sát đột kích trong quá trình điều tra và đã bị đóng cửa, và trang trực tuyến của bảo tàng đã không thể truy cập được ở Hong Kong.

Điêu khắc gia Đan Mạch Jens Galschiot, người sáng tạo bức tượng, cho biết trong một tuyên bố rằng ông ‘hoàn toàn bị sốc’ và ông sẽ ‘yêu cầu bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào’ đối với tài sản cá nhân của ông.

Galschiot, vốn định giá bức tượng vào khoảng 1,4 triệu USD, đã đề nghị đưa nó trở lại Đan Mạch nhưng nói rằng ông cần có mặt ở Hong Kong để đảm bảo hoạt động phức tạp diễn ra suôn sẻ và yêu cầu có bảo đảm ông sẽ không bị truy tố.

HKU cho biết trong tuyên bố của mình rằng không có bên nào từng được chấp thuận trưng bày bức tượng trong khuôn viên trường và họ có quyền thực hiện ‘hành động thích hợp’ vào bất cứ lúc nào. Họ cũng mô tả bức tượng ‘dễ bị hư hại’ và nói rằng nó đặt ra ‘các vấn đề tiềm tàng về sự an toàn’.

Ông Vương Đan, người sống sót sau sự kiện Thiên An Môn, hiện đang sống ở Mỹ, đã lên án việc dỡ bỏ bức tượng trên Facebook là ‘nỗ lực xóa sạch lịch sử và ký ức được viết bằng máu’.

Việc dỡ bỏ bức tượng là bước mới nhất nhắm vào những cá nhân hoặc tổ chức có liên hệ với sự kiện nhạy cảm ngày 4/6 năm 1989.

Giới chức đã trấn áp Hong Kong theo luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt mà các nhà hoạt động nhân quyền nói là được sử dụng để đàn áp xã hội dân sự, bỏ tù các nhà vận động dân chủ và đè nén các quyền tự do cơ bản.

Nhà chức trách cho biết luật này đã khôi phục trật tự và ổn định sau các cuộc biểu tình đường phố rầm rộ vào năm 2019. Họ nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận và các quyền khác được duy trì nguyên vẹn và các vụ truy tố không có mục đích chính trị.

"Những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn là tất cả chúng ta phải quên đi điều này (Thiên An Môn). Thật không may”, ông John Burns, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học này trong hơn 40 năm, người kêu gọi giữ lại bức tượng, nói với Reuters.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG