Đường dẫn truy cập

Trật tự thế giới kiểu Trung Quốc: lấy Bắc Kinh làm trung tâm


Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến lược 'Một Vành đai, Một Con đường'
Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến lược 'Một Vành đai, Một Con đường'

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng lại với các cơ chế của chủ nghĩa đa phương để thực hiện chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’, Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đang giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương để lôi kéo thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc đang xây dựng là mô hình trật tự quốc tế xoay quanh Trung Quốc với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.

Ông Jonathan Hillman, giám đốc chương trình Tái kết nối châu Á của CSIS đã đưa ra nhận định trên trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post.

Hồi đầu tháng, nguyên thủ 16 quốc gia Đông và Trung Âu tề tựu xung quanh một cường quốc đơn nhất ở thủ đô Sofia của Bulgaria. Điều bất ngờ là thế lực triệu tập hội nghị này không phải là Liên minh châu Âu, Nga, hay Mỹ vốn về mặt lịch sử có mối quan hệ văn hóa, chính trị và an ninh chặt chẽ với khu vực. Thay vào đó, quốc gia giữ vị trí trung tâm là Trung Quốc, không chỉ ở khu vực Trung và Đông Âu mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Trải qua bảy năm tổ chức, hội nghị thượng đỉnh ‘16+1’ này thể hiện rõ nét nhất mô hình thế giới nghe có vẻ đa phương của Trung Quốc. Mô hình này tập hợp nhiều quốc gia và nó có vẻ bề ngoài là kéo các nước tham gia và tạo dựng sự đồng thuận. Tuyên bố chính thức của hội nghị khẳng định sự ủng hộ cho Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hiệp Quốc, hai trụ cột thật sự của chủ nghĩa đa phương vốn ngày càng bị đe dọa.

“Chúng ta cần phải giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương,” Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại hội nghị.

“Tuy nhiên, dưới vẻ bề ngoài đó, mô hình 16+1 của Trung Quốc về cơ bản khác hoàn toàn với các tập quán và thể chế đa phương mà Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ,” ông Jonathan Hillman nhận định. “Trung Quốc và các đối tác của họ không tuân theo những nguyên tắc thông thường vốn có tác động đáng kể đối với cách hành xử của họ. Cũng không có cái gì là kết quả của sự đồng thuận.”

“Mô hình chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc thiếu chiều sâu và nó dựa trên sự ve vuốt cái tôi và những thỏa thuận song phương treo lủng lẳng trước mặt. Nên gọi đây là ‘chủ nghĩa lấy lòng’,” ông Hillman viết trên Washington Post.

Cũng theo ông Hillman, nếu như mô hình này đem lại lợi ích thì những lợi ích này chủ yếu về tay Trung Quốc. Dưới vỏ bọc là có sự tham gia rộng rãi của nhiều nước, Bắc Kinh ủng hộ những chính quyền nào đưa ra những quy định đầu tư bớt ngặt nghèo để đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc được giao cho các dự án lớn. Chẳng hạn như nền kinh tế của Bosnia chỉ vào khoảng một phần ba quy mô của Croatia nhưng nó lại không tuân theo những nguyên tắc của EU về việc đấu thầu công khai. Chỉ riêng năm ngoái, Bosnia đã nhận được đầu tư Trung Quốc gấp 10 lần nước láng giềng Croatia, theo số liệu thống kê của CSIS.

“Đây là ngoại giao khôn khéo, nhưng đó không phải chủ nghĩa đa phương,” vị chuyên gia của CSIS nhận định và cho biết Bắc Kinh cũng sử dụng mô hình này dưới nhiều dạng thức khác nhau ở những khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như họ đặt họ ở vị trí trung tâm của các hội nghị thượng đỉnh của châu Phi và Mỹ Latin.

Mô hình ‘chủ nghĩa lấy lòng’ này cũng xuyên suốt trong tầm nhìn đối ngoại mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình: Dự án ‘Một Vành đai, Một Con đường’ nhằm kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu qua đường bộ và đường biển.

Được ra mắt vào năm 2013, Dự án ‘Vành đai, Con đường’ có mục tiêu là đặt Bắc Kinh vào vị trí trung tâm của mọi thức thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mới, các thỏa thuận thương mại, trao đổi văn hóa và một loạt các liên hệ khác.

“Cùng với nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng rộng lớn có cùng chung lợi ích,” ông Tập phát biểu trước gần 30 nguyên thủ và đại diện của hơn 130 quốc gia và 70 tổ chức quốc tế tề tựu ở Bắc Kinh để tham dự Thượng đỉnh ‘Vành đai, Con đường’ hồi năm ngoái.

‘Vành đai, Con đường’ là một bước đi lớn trong việc quảng bá địa chính trị. Với dự án này, ông Tập trên thực tế đang quảng bá trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm đối với thế giới, theo ông Hillman.

“Thay vì co mình lại trước những bản đồ thể hiện rằng tất cả những con đường đều dẫn đến Bắc Kinh, gần 70 nước đã tham gia vào dự án,” ông viết và nói thêm rằng trong số những cơ quan ủng hộ dự án này còn có Liên Hiệp Quốc, WTO và các những tổ chức lâu nay vẫn duy trì chuẩn mực của chủ nghĩa đa phương thực sự.

Dự án này thật ra là vô vàn những những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và các nước, trong đó có những thị trường mà ít quốc gia nào dám khai phá. Hơn phân nửa các nước tham gia vào ‘Vành đai, Con đường’ có mức đánh giá tín nhiệm về nợ quốc gia hoặc là không có gì hoặc là không được đánh giá. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào những dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn nghe rất lọt lỗ tai của các nhà lãnh đạo các nước này vốn muốn tạo ấn tượng tốt cho mình ở trong nước và để lại di sản cho đời sau.

Hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng này còn dẫn đến sự lệ thuộc. Ông Hillman dẫn ra trường hợp của một cựu Tổng thống Sri Lanka. Quê nhà của ông này đã chứng kiến những dự án lớn như sân bay quốc tế, sân vận động cricket và một hải cảng. Chúng đều dùng nguồn vốn vay của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và đều được đặt tên theo vị tổng thống này. Giờ đây chúng ít khi được sử dụng trong khi Sri Lanka phải oằn mình gánh nợ còn Trung Quốc được quyền kiểm soát hải cảng.

Trong vòng năm năm tới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cam kết đầu tư 250 tỷ đô la vào các nước dọc theo dự án ‘Vành đai, Con đường’.

Chưa đầy một tuần sau thượng đỉnh ‘16+1’, các nguyên thủ NATO họp lại ở Brussels, Bỉ, để chứng kiến một trong những hội nghị thượng đỉnh khó khăn nhất của khối này trong lịch sử khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên giọng chỉ trích các nước đồng minh.

“Thông thường thì hội nghị thượng đỉnh của liên mịnh quân sự hùng mạnh nhất thế giới sẽ cho mọi người thấy sự tưởng phản rõ ràng với các hội nghị nông cạn của Bắc Kinh,” ông Hillman viết.

“Tuy nhiên với sự thiếu vắng sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ đối với cơ chế đa phương thì sẽ càng khó khăn hơn để nhận diện kẻ phá bĩnh.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG