Tháng Mười năm 2018 sẽ là chứng nhân soi xét một phép thử quan trọng, nhưng có thể chỉ là sự giải mã đầu tiên trong một phương trình chính trị chứa đựng nhiều thâm ý không muốn để lộ ra quá sớm, về hai kịch bản ‘chỉ định một ủy viên bộ chính trị không phải tổng bí thư làm chủ tịch nước’ và ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ - kịch bản nào là có chân đứng và kịch bản nào chỉ mang tính giả thiết.
Tháng Mười năm 2018, như thông lệ hàng năm và đã được lên kế hoạch vào năm nay, sẽ diễn ra hai kỳ họp ‘đảng trước, quốc hội sau’: Hội nghị trung ương đảng lần thứ 8 theo chủ thuyết ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ và sau đó là một kỳ họp quốc hội mà có lẽ não trạng lẫn quán tính ‘nghị gật’ chưa hề được cải tạo.
Nếu trong hai kỳ họp trên, một cái tên nào đó trong Bộ Chính trị - Nguyễn Thiện Nhân hay Trần Quốc Vượng hoặc Tòng Thị Phóng…- mà không phải là Nguyễn Phú Trọng - được xướng lên cho chức vụ chủ tịch nước, có thể gần như chắc chắn kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ phải thoái lui vì những lý do đủ tế nhị và nhạy cảm trong nội bộ đảng.
Nhưng nếu trong hai kỳ họp trên, cái tên Đặng Thị Ngọc Thịnh - hiện là quyền chủ tịch nước thay cho cựu bộ trưởng công an - chủ tịch nước đã được gắn thêm từ ‘cố’ - được ‘Bộ Chính trị tiếp tục phân công giữ chức quyền chủ tịch nước’, cùng lúc hoặc chẳng bao lâu sau đó xuất hiện hiện tượng một số cựu thần, quan chức và ‘quần chúng nhân dân’ đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản kéo dài thời gian để tổ chức một chiến dịch PR cho ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và nếu kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ tăng tốc để biến thành hiện thực, có thể cho rằng đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam hoặc xảy ra ngay vào năm 2018 hoặc sẽ vào năm 2019 mà chẳng cần chờ đến năm 2021, hay có xảy ra vào năm 2021 thì cũng có thể rất vô nghĩa về ý nghĩa bầu bán cho người cao nhất bên đảng lẫn bên nhà nước; thậm chí đại hội 13 chỉ là bước phát triển cho ý đồ bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ như cái cách mà Tập cận Bình đã buộc cả ban chấp hành trung ương lẫn quốc hội Trung Quốc phải chấp nhận ông ta trên cái ngai ‘hoàng đế’ tại đại hội 19 vào tháng Hai năm 2018.
Từ Tập đến Trọng
Chỉ mất có 5 năm “đánh Đông dẹp Bắc kể từ năm 2012, tham vọng xưng hùng của Tập Cận Bình rốt cuộc đã ghi dấu ấn tư tưởng đầu tiên và chính thức. Tại đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, tên của Tập đã được ghi trong điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nâng vị thế của ông ta lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập Trung Quốc. Điều lệ sửa đổi bao gồm khái niệm “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho thời đại mới.”
Chắc hẳn trên con đường tập quyền và độc tôn quyền lực của mình, Tập Cận Bình đã tham khảo rất kỹ cái cách làm thế nào để Vladimir Putin, từ năm 1999 khi Putin trở thành tổng thống Nga đến nay, có thể hoán đảo ngoạn mục từ vai trò tổng thống về vị trí thủ tướng, rồi từ thủ tướng lại trở thành tổng thống nước Nga, nhưng vẫn chưa dừng ở đó mà giờ đây mọi chuyện có vẻ như Putin sẽ “nắm quyền mãi mãi.”
Ngay cả khi chưa xảy ra việc đảng Cộng Sản Trung Quốc chính thức đề xuất bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ trong Hiến Pháp, không ít nhà quan sát, phân tích chính trị và báo chí quốc tế đã vừa mỉa mai vừa lo lắng khi lần đầu tiên dùng cụm từ “hoàng đế Tập Cận Bình.”
Về thực chất, Tập đã gần như trở thành một vị hoàng đế không ngai ở Trung hoa lục địa.
Còn Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam thì sao?
Chưa có dấu hiệu hoặc thông điệp rõ rệt nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thể hiện tham vọng “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi” một cách quá lộ liễu theo cách Trung Quốc đã bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước để mở đường cho Tập Cận Bình có thêm ít nhất một nhiệm kỳ thứ ba.
Nhưng lại đang thấp thoáng những dấu hiệu và biểu hiện cho tương lai “tổng bí thư kiêm chủ tịch nước” ở Việt Nam. Xuất phát điểm của tương lai này là chủ trương “nhất thể hóa,” được triển khai ở cấp cơ sở để dần từng bước “đánh lên” cấp trung ương.
Mô hình “nhất thể hóa” đang bắt đầu ứng nghiệm theo cách mà trưởng ban Tổ chức trung ương hiện thời là Phạm Minh Chính đã từng thí điểm khi ông là Bí thư Quảng Ninh. Con đường đi lên của Phạm Minh Chính lại được nâng đỡ bởi Tổng bí thư Trọng.
Từ tháng Mười, 2017, một hội nghị trung ương có số thứ tự là “6” đã nêu ra và sau đó nhanh chóng triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa’. Hàng loạt tỉnh thành đã và đang nằm trong danh sách “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban,” thậm chí có thể thực hiện cơ chế “3 thành 1” với bí thư vừa kiêm chủ tịch ủy ban hành chính, vừa kiêm luôn chủ tịch hội đồng nhân dân. Không chỉ đảng “nắm” hết, không chỉ “đảng không làm thay mà làm luôn,” mà mỗi bí thư địa phương trên thực tế sẽ trở thành một “lãnh chúa.”
Hãy nhớ lại, vào thời phong kiến ở Châu Âu và ở Việt Nam, giai cấp quý tộc và lãnh chúa tạo thành một cái đỉnh của nó: Vua.
Nếu cơ chế triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa’ thuận lợi, có thể ngay vào năm 2019 vấn đề ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ sẽ được đặt ra một cách chính thức trong Bộ Chính trị và trong các hội nghị trung ương, để sau đó sẽ hiện ra ‘vua’ trong một đất nước ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không’.
Và nếu không thế lực nào gây ra cản trở đáng kể, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể trở thành nhân vật độc tôn quyền lực vào khoảng năm 2019, hoặc chậm hơn thì vào năm 2020, không chỉ ‘thống lĩnh lực lượng vũ trang’ - bao gồm vai trò bí thư quân ủy trung ương và đương nhiên phải nắm trọn Bộ Công an, mà còn có thể ôm đồm cả phần việc của một thủ tướng. Nếu tình cảnh đó xảy ra, bên đảng và tổng bí thư sẽ ‘nắm’ hết.
Cũng không loại trừ đến khi đó, và nếu cảm thấy sức khỏe ‘còn đủ để cống hiến cho đảng và dân tộc’ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nảy ra ý tưởng ‘ngồi mãi’ như Tập Cận Bình ngùn ngụt tham vọng ở Trung Quốc. Thế là một bộ sậu nào đó của ông Trọng sẽ hùng hục ‘đề xuất sửa đổi Hiến Pháp’ cho sự kéo dài đến tậm lúc nhắm mắt xuôi tay ấy.
Còn những kẻ khác thì sao?
Đã có một bước phát triển có thể nhận ra và thấp thoáng bóng dáng của một kế hoạch PR từ năm 2017 đến năm 2018, sau cái năm 2016 phải để tang cho vụ ‘cả ba bị bắn’ ở Yên Bái.
Nếu vào năm 2017 vẫn chỉ chủ yếu tuyên truyền cho hoạt động ‘nhất thể hóa’ ở một số tỉnh thành, thì từ đầu năm 2018 đến nay đã xuất hiện một số bài viết - không phải trên mặt báo nhà nước mà trên mạng xã hội - khi cùng với lời ca ngợi Tổng bí thư Trọng bằng những ngôn từ ngút trời như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, và thậm chí ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’, đã gắn kèm với ‘mong mỏi Tổng bí thư có thể là người đứng đầu nhà nước để phù hợp với tiến trình nhất thể hóa các chức danh của đảng và nhà nước’.
Ngay vào thời điểm Trần Đại Quang được gắn thêm từ ‘cố’, đã dậy lên vài ba ý kiến của giới cựu thần về ‘đã đến lúc hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’.
Nhưng từ năm 2017 đến nay cũng đã xuất hiện một quan điểm phê phán khuynh hướng đảng cầm quyền ở Việt Nam muốn tập quyền theo ‘mô hình Tập Cận Bình’. Những chỉ dấu về xu hướng này đã dần lộ ra, với một trong những bằng chứng chủ yếu là dư luận nội bộ chê trách ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘quên’ lời hứa trước Đại hội 12 là sẽ chỉ ‘ngồi’ từ 1 đến 2 năm để sau đó phải nhường ghế cho người khác.
Trong cơ chế ‘trách nhiệm thuộc về tập thể, quyền lực và lợi ích thuộc về cá nhân’, sẽ chẳng có ‘người khác’ nào.
Nếu kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ ứng với Nguyễn Phú Trọng mà chẳng phải ai khác, những quan chức mà hiện thời được xem là ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư khi điều lệ đảng hiện hành chỉ cho phép một người đứng đầu đảng không quá hai nhiệm kỳ - như Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính và đặc biệt là ‘ngôi sao đang lên’ Nguyễn Xuân Phúc - chắc hẳn sẽ không thể giấu nổi vẻ thất vọng trên gương mặt và trong ánh mắt đã sạm đen bởi nắng gió chính trường.