Đường dẫn truy cập

Khen lãnh tụ càng ngày càng… khó!


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trân Văn


Đó có lẽ là cảm giác chung của nhiều người khi theo dõi các diễn biến trên mạng xã hội Việt Nam tuần này.

Nhiều facebooker đã chia sẻ suy nghĩ của ông Trần Đình Triển, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, khi ông đưa lên trang facebook của mình nhận định “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc”, kèm ý kiến của riêng họ mà chủ yếu là… ác cảm với nhận định ấy. Chẳng hạn Nguyễn Thiện bỡn cợt rằng, khen là nghề có triển vọng nhất. Nghề này không cần kiến thức, không phụ thuộc vào định hướng dư luận, không bị cưỡng chế thu hồi, không sợ bị thế lực thù địch lợi dụng, không cần có lòng tự trọng cao, lại có nhiều cơ hội tiến thân ! Mai V Sáu, friend của Nguyễn Thiện bổ túc, “cần phải trơ trẽn một cách toàn diện”. Trịnh Hồng Thọ, một friend khác của Nguyễn Thiện không tán thành, facebook này cảnh báo, khen kiểu đó khó làm lắm, không tin thì cứ thử viết như ông Triển coi có được không.

Thế thì ông Triển viết gì? Trong status “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc”, ông Triển bảo rằng, về phương diện cá nhân, ông Trọng vốn đã có đầy đủ vinh quang (học hàm, học vị, từng là Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư,...), lẽ ra ông có thể nghỉ ngơi nhưng vận mệnh của Đảng, của chế độ và của dân tộc, kể cả mệnh trời thành ra ông buộc phải ở lại gánh vác nhiệm vụ mà non sông, nhân dân giao phó để loại trừ bè lũ tham nhũng, lôi kéo sự tin yêu của nhân dân với chế độ trở lại, giữ ổn định về chính trị để đưa quốc gia tiến lên. Cũng theo ông Triển thì với “đầu óc Thiên tử”, “hào kiệt” Nguyễn Phú Trọng đã tính toán chu đáo, bước đi, giải pháp nên tập hợp được một “đội quân tinh nhuệ”, khiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đoàn kết, quân và dân đồng tình ủng hộ, “xây lò thiêu bè lũ tham nhũng”. Ông Triển nhấn mạnh, bước đầu, ông Trọng đã “thành công vẻ vang”, “quân và dân cả nước kính trọng, yêu mến, tin tưởng, ủng hộ ông, cuộc chống giặc nội xâm do ông lãnh đạo sẽ thắng lợi, mọi khó khăn chắc chắn sẽ vượt qua và lịch sử mãi mãi lưu danh một hào kiệt dân tộc”.

Cho dù có nhiều friends của ông Triển khen nhận định của ông về ông Trọng “hay”, “chuẩn” song bên cạnh đó vẫn có không ít người không tán thành. Huong Thanh Nguyen Thi nhắc nhở: Chính trị là sân khấu, các chính trị gia là diễn viên và “diễn hết đó bạn ạ”. Hieu Do Xuan thì bảo rằng ông hết sức quan ngại vì nếu ông Trọng đúng là “hào kiệt” thì công khố sẽ phải xuất thêm tiền để xây cho ông Trọng một cái “mả to” hoặc một “tượng đài” trị giá hàng ngàn tỉ. Thạch Ngọc Thái thắc mắc, nhiệm kỳ trước, ông “hào kiệt” ở đâu mà để “đồng chí X” thao túng như thế? Tương tự, Trần Vũ Hoàng thắc mắc, chuyện mất đất, mất biển, thảm họa formosa, vi phạm nhân quyền, khủng hoảng quan hệ Việt – Đức thì sao? Để xảy ra những chuyện như thế liệu có đáng mặt “hào kiệt” không? Có những facebooker như Tuat Bui Van, Hoang Hung, Nguyen Huu Thao,… nhắc ông Triển, chính thể chế độc đảng toàn trị sản sinh ra thảm trạng tham nhũng như hiện tại. Phạm Đình Toại thì nói thẳng rằng, trước giờ, ông vẫn quý ông Triển song status “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc” khiên cưỡng quá!

Có thể vì không phải là friend của ông Triển nên trên nhiều trang facebook khác, các facebooker phản ứng mạnh mẽ hơn. Họ bảo rằng nhận định của ông Triển “nặng mùi”, “nâng bô”, “nâng bi”... Chừng 600 người tán thành chuyện facebooker Chú Tễu phong ông Triển là “Đại Lão Bô của làng Phây”. Ngọc Vinh thì gọi status “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc” là “tuyệt đỉnh công phu”. Ngọc Vinh giải thích, đời ông đã gặp vô số nịnh thần nhưng tất cả những nịnh thần đó phải gọi một luật sư và một nhà báo, đồng nghiệp của ông Vinh là “sư phụ” vì cả hai đã nâng “nghệ thuật bợ đít” lên thành “tuyệt đỉnh công phu”. Đa số thiên hạ biết luật sư mà ông Vinh đề cập là ai nhưng không biết danh tính nhà báo và “tuyệt phẩm” thứ hai. Ông Vinh úp mở, cứ vào google, gõ “Sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng” thì biết.

Không biết đã có bao nhiêu người làm theo hướng dẫn của Ngọc Vinh nhưng sau đó một số người khuyên những ngưới khác, đừng… ăn gì trước khi đọc hai “tuyệt phẩm”.

Bây giờ, “tuyệt phẩm” thứ hai đã được nhiều người thưởng lãm, nó có tựa là “Sĩ phu Bắc hà” với tác giả là Phan Đăng. Trong “Sĩ phu Bắc hà”, Phan Đăng xưng tụng ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN là “Ngài Trọng”. “Ngài Trọng” của Phan Đăng “hay nói đến chủ nghĩa Mác”, theo Phan Đăng, “đúng là Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam tư tưởng nhưng nếu chỉ có thứ chủ nghĩa được nhập về từ phương Tây ấy thì chắc chắn đã không thể tạo nên hình tượng một Ngài Tổng bí thư đáng kính như vậy”. Ngoài chủ nghĩa Mác, “Ngài Trọng” của Phan Đăng còn có “nội lực truyền thống của phương Đông”, có phong cách của một “sĩ phu Bắc Hà” nên “lẫm liệt và tuyệt đẹp, bình dị, điềm đạm mà uy nghiêm, tôn quý”.

Dường như Phan Đăng có vẻ chủ quan khi bảo rằng: “Ở thời điểm hiện tại này, có lẽ toàn bộ con dân nước Việt biết suy nghĩ đều nghiêng mình ngưỡng mộ trước những gì Ngài Trọng đang làm và sẽ ủng hộ lý tưởng của Ngài đến cùng”. Phản ứng của thiên hạ cho thấy, dễ dãi trong việc sử dụng những yếu tố như “toàn quân”, “toàn dân”, thậm chí cố tình tiết giảm về mức độ thành “toàn bộ con dân nước Việt biết… suy nghĩ” khi khen lãnh đạo chỉ… chuốc vạ!

Người ta chỉ có thể tìm thấy “Sĩ phu Bắc hà” của Phan Đăng trên một vài trang web, trang blog những trang web, trang blog ấy chú thích “Sĩ phu Bắc hà” được lấy từ trang facebook của Phan Đăng nhưng không thể tìm thấy dấu vết “Sĩ phu Bắc hà” trên trang facebook của Phan Đăng nữa. Tác giả không giải thích tại sao.

Rõ ràng thời thế đã khác. Có ai ngờ khen lãnh tụ càng ngày càng… khó!

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG