Đường dẫn truy cập

Việt Nam có thể tụt hậu so với Campuchia


Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. (Ảnh tư liệu)
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. (Ảnh tư liệu)

Sự tụt hậu của ngành nông nghiệp đang làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và có thể mất sự cạnh tranh với nước láng giềng Campuchia.

Theo báo cáo Cập Nhật Triển Vọng Phát Triển Kinh Tế Việt Nam năm 2016 và 2017 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra hôm 27/9, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra. ADB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,0% cho năm nay và 6,3% cho năm sau do sự sụt giảm của ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 là 6,7%. Tuy nhiên theo dự báo của ABD và các tổ chức giám sát kinh tế khác, Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng cho cả năm nay.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu về sản xuất cà phê robusta, do đó sản lượng nông nghiệp sụt giảm của Việt Nam đã kéo tăng trưởng GDP xuống thấp.

Theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, Việt Nam trên thực tế rất thiếu các thương hiệu nổi tiếng về nông sản, kể cả đối với mặt hàng thế mạnh là gạo. Và theo ông, thương hiệu gạo Việt Nam đang kém xa Thái Lan và đang tụt hạng so với Campuchia do chạy theo số lượng.

Ông Xuân nói: "Campuchia không cần khối lượng chỉ cần chất lượng. Cũng như Thái Lan chỉ cần chất lượng. Trong khi Việt Nam chỉ chạy theo khối lượng. Nhà nước cũng muốn thay đổi nhưng không thể bằng chất lượng của gạo Thái Lan và Campuchia bởi không ai muốn trồng giống lúa năng xuất thấp."

Theo Việt Nam Net đưa tin, Việt Nam đang tụt hạng trong xuất khẩu gạo gần đây và mất các hợp đồng ở các thị trường truyền thống trong khi gạo Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao và gạo Campuchia thì ngày càng tiến lên khẳng định vị thế. Điều này đang phản ánh nỗi lo về sự tụt hậu trong nông nghiệp của Việt Nam.

Theo tiến sỹ Xuân, tình trạng hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng cùng tình trạng thực phẩm nhiễm độc trên khắp cả nước cũng đang ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng ông nói rằng sự quản lý yếu kém của chính phủ là nguyên nhân chính.

Ông Xuân cho biết thêm: "Do con người và do nhà nước chỉ đạo. Đó là thất bại. Ví dụ năm nay chịu thất bại rất lớn, lớn nhất trong mọi năm. Lỗi không phải của người dân mà là lỗi của nhà nước, do đầu óc của người lãnh đạo. Mình phải sử dụng và dựa vào thiên nhiên để sống chứ chống thiên nhiên thì mình sẽ bị thiệt hại rất nhiều."

Giáo sư Xuân nói ông hy vọng những sai lầm này sẽ chấm dứt dưới sự điều hành của chính phủ mới và chuyển sang một sự sản xuất lành mạnh hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố hôm 28/6, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng gần 16% trong cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay. Khu vực công nghiệp chiếm gần 33% và khu vực dịch vụ chiếm hơn 41%.

VOA Express

XS
SM
MD
LG