Đường dẫn truy cập

‘Kỷ luật’ có phải là luật pháp?


Vũ Huy Hoàng bây giờ lại được mang ra lần nữa trong cuộc chỉnh đốn đảng.
Vũ Huy Hoàng bây giờ lại được mang ra lần nữa trong cuộc chỉnh đốn đảng.

Rất nhiều người phấn khởi cho rằng cuối cùng thì sự chờ đợi của dư luận cũng được phản hồi, ba nhân vật có “vấn đề” từ bao năm nay đã lên thớt và chắc chắn bọn họ có an toàn về vườn thì sinh mệnh chính trị cũng không cách nào cứu vãn.

Thật ra nếu nói người cộng sản coi trọng sinh mệnh chính trị thì chỉ đúng phân nửa, đúng khi họ chưa ngoi lên tới đỉnh cao quyền lực thì sinh mệnh chính trị là cứu cánh cho mục tiêu ấy, nhưng tới khi đã đạt được đình cao rồi thì “sự nghiệp tài sản” mới quan trọng đối với họ. Cống hiến để đổi lấy cái thành quả cuối cùng ấy bằng mua chuộc, quỳ lụy, cấu kết, biển thủ và cuối cùng là hạ cánh an toàn. Để đạt được mục tiêu họ sẵn sàng mua chuộc đường giây dẫn tới vị trí mà họ nhắm tới. Muốn chắc chắn hơn họ chấp nhận quỳ lụy và dâng hiến tất cả những gì họ có. Họ sẽ cấu kết với nhau làm thành liên minh để kiếm chác và hành vi biền thủ công quỹ là mục tiêu cuối cùng trước khi hạ cánh. Những đoạn đường ấy họ lấy bốn chữ sinh mệnh chính trị ra để khỏa lấp hay che đậy cái ý đồ mà họ theo đuổi cho tới khi vụ việc bị công luận vạch mặt họ mới cam chịu nhưng không dễ gì khai ra đồng phạm vì đồng phạm là cái phao cuối cùng họ có thể bám víu vào trong thời khắc nguy nan nhất.

Đối với Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật do vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 thì thay vì lo buồn ông ta có thể nâng ly cùng bạn bè cánh hẩu để thở phào vì việc kỷ luật ông về cái tội này chỉ là hình thức giơ cao đánh khẽ. Đáng ra ông ta phải chịu hình phạt nặng nề hơn nhiều lần vì trong những năm lãnh đạo tỉnh Hà Giang ông Bí thư tỉnh ủy đã đưa vào hệ thống gần như toàn bộ gia đình gần xa vào làm trong những vị trí quan trọng nhất của tỉnh. Với 8 cái tên họ Triệu trong các huyện, thuộc tỉnh Hà Giang ông Triệu Tài Vinh xứng đáng nhận lãnh huân chương “vì sự nghiệp gia đình” hạng Nhất. Nếu ông bị phanh phui vụ này thì 8 người mà ông cơ cấu ấy sẽ theo ông về chầu Hỏa Lò trong những căn phòng tăm tối nhất.

Ông Vũ Huy Hoàng là nhân vật thứ hai lên thớt sau khi đã bị cho về vườn không kèn không trống. Lý do đầu tiên không khác gì Triệu Tài Vinh vì năm 2015, trong khi đương chức Bộ trưởng Bộ Công thương ông Hoàng đã cơ cấu cho con trai là Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc. Năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI - trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách).

Nhưng đây chưa phải là lý do cốt yếu vì hệ thống này có hàng trăm thái tử đỏ nắm vận mệnh quốc gia chỉ vì là con cháu ông này bà nọ. Lý do khiến ông Vũ về vườn là có quan hệ cốt tử với Trịnh Xuân Thanh và bị cho về vườn là vẫn còn may mắn. Lần này bị nêu tên một lần nữa chắc sự may mắn ấy chào vĩnh biệt ông rồi.

Ông thứ ba là Hoàng Trung Hải, khác biệt hẳn với hai người trước nhưng khi bị đặt lên chiếc lò bát quái của ông Trọng quan hình thức kỷ luật thì hầu như dân chúng khắp nơi hoan hỉ vỗ tay chúc mừng. Ông Hoàng Trung Hải mang một tội danh khác: tham nhũng, được mỹ từ hóa “đã có ý kiến chỉ đạo nâng tổng mức đầu tư dự án Gang thép Thái Nguyên thiếu căn cứ”. Số tiển tham nhũng chưa được xác định nhưng hậu quả thì ai cũng thấy: Một nhà máy bề thế hạng nhất miền Bắc nay biến thành sắt vụn phế thải vì không thể vận hành trong hàng chục năm qua.

Hoàng Trung Hải nguyên là Phó Thủ tướng, hiện giữ chức Bí thư thành ủy Hà Nội, một vị trí có tiềm năng trở thành “tam trụ” trong nay mai bỗng dưng bị đá văng khỏi chiếc ghế vàng không thể là một quyết định vội vàng mà quyết định ấy phải nâng lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần vì Hoàng Trung Hải có một yếu tố rất quan trong khác đỡ đầu đó là yếu tố Trung Quốc.

Dĩ nhiên cả guồng máy này đều không ít thì nhiều dính dáng tới Trung Quốc nhưng dính tới mức mà một Phó Thủ tướng rồi Bí thư thành ủy như ông ta lại bị một người tấn công không mệt mỏi để công luận chú ý tới lai lịch cũng như hành vi thân cận Trung Quốc thì không thể không có vấn đề.

Người ấy là Blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên của đài VOA, từng có hàng chục lá đơn tố cáo ông Hoàng Trung Hải là Tàu cộng, bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam từ Tháng Bảy, 2018. Ông Hùng viết tới 76 lá đơn tố cáo ông Hoàng Trung Hải trước khi bị bắt.

Và dĩ nhiên không ai dám kết án ông Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải là có hành vi bán cả nhà máy Gang thép Thái nguyên cho Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Suy cho cùng, cả ba “ông bị can” chỉ là một cái cớ để người dân nhìn về hướng khác mặt dù cái cớ này xem ra nặng ký và khó tiêu hóa cho một thể chế lấy hào nhoáng bên ngoài làm cứu cánh hơn là quyết tâm tiêu diệt tham nhũng từ trong trứng nước.

Nếu quyết tâm thì đã không có các vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng. Sẽ không có Vũ Nhôm, hay tệ hơn là Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son trong vụ MobiFone mua AVG. Cũng sẽ không có Thủ Thiêm đang mưng mủ. Những Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân sẽ không có cửa để trở thành sứ quân.

Trong khi ba ông lên thớt thì làng Vũ La, xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, Hải Dương chính quyền gióng trống phất cờ chiếm đất nông dân để giao cho doanh nghiệp. Trong khi Thủ Thiêm còn chưa hết tang thương thì quan quân đã kéo tới Vườn rau Lộc Hưng tấn công đập phá một mảnh đất con con nhằm chứng tỏ bạo lực cách mạng là đúng đắn.

Vậy thì có nên tin quyết tâm trong sạch bộ máy để đất nước đứng lên hay quyết tâm trả thù bất kể nhân dân lụn bại?

  • 16x9 Image

    Mặc Lâm

    Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG