Đường dẫn truy cập

Trịnh Thọ


Trịnh Thọ
Trịnh Thọ

Lời đầu tiên tôi muốn xác nhận là Trịnh Thọ hoàn toàn không có bà con gì với Trịnh Hội. Bởi anh là người gốc Hà Nội, có vợ là người Philippines và là hồ sơ tỵ nạn duy nhất vẫn còn bị kẹt lại ở Philippines vì…anh đã nộp hồ sơ quá trễ. Trễ đến 4 năm kể từ ngày chính phủ Canada thông cáo là họ sẽ nhận hết tất cả các hồ sơ còn tồn đọng của người Việt tỵ nạn ở Philippines. Ngoại trừ anh.

Chung quy chỉ vì sau khi anh bị chính phủ Mỹ bác đơn vì đã có vợ con Philippines vào năm 2005 anh đã không còn tha thiết gì đến chuyện xin đi định cư. Anh buồn cho số phận, chán ngấy cuộc đời nên đã quyết định dọn xuống đến tận vùng cực nam của Philippines là quần đảo Mindanao để mua bán qua ngày, kiếm tiền nuôi vợ và 4 đứa con trai đang ở tuổi niên thiếu. Anh cũng tự động cắt đứt liên lạc với cộng đồng người Việt ở đây và kể từ đó không màng đến việc giữ liên lạc với văn phòng của VOICE ở Manila.

Trong lúc đó vào năm 2007, sau bao năm vận động, chính phủ Canada đã đồng ý nhận tất cả những hồ sơ người Việt tỵ nạn còn kẹt lại ở Philippines, kể cả vợ và con là người Philippines. Mặc dù trên nguyên tắc họ không thể nào được nhận vào Canada qua diện tỵ nạn. Vậy mà cộng đồng chúng ta vẫn có thể giúp cho họ được kể cả việc cho tiền để họ có thể trả lệ phí cho mỗi đầu đơn là $550/người chưa kể tiền vé máy bay, khám sức khỏe và những lệ phí khác.

Sau hơn hai năm ròng rã làm việc cùng với biết bao thiện nguyện viên đến từ khắp năm châu, những người Việt “vô quốc gia” cuối cùng ở Philippines tổng cộng là 97 gia đình bao gồm gần 300 người đã được đến bến bờ tự do Canada sau đúng 20 năm lận đận trên bước đường tỵ nạn. Chúng tôi đã quyết định đóng cửa văn phòng ở Manila vào đầu năm 2009 và kể từ đó đến nay tôi cứ đinh ninh rằng ngoại trừ 2 hồ sơ quyết định chọn Philippines làm quê hương và hồ sơ của anh Huỳnh Phong bị từ chối vì vấn đề sức khỏe, không còn một thuyền nhân nào khác bị kẹt lại ở Philippines.

Tôi đã mừng thầm là từ nay mình không còn phải lo lắng cho vấn đề này nữa. Và nhất định là sau khi giải quyết xong những hồ sơ tỵ nạn còn tồn đọng ở Thái Lan và Campuchia, tôi sẽ giải nghệ hoàn toàn. Tôi sẽ dành nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để đi…chơi, đọc sách, hoặc lo cho thằng cu và có thể là chọn cho mình một hướng đi khác. Nói chung là sau hơn 15 năm làm công việc này tôi đã cảm thấy đuối và không còn đầy hứng khởi như những ngày tháng đầu lúc tôi mới qua Philippines.

Có lẽ mình sắp già.

Đùng một cái vào cuối năm ngoái tôi được cho biết là vẫn còn có một anh Trịnh Thọ ở đâu đó bên Philippines muốn liên lạc với tôi. Và sau khi tìm hiểu xong tôi mới biết được anh là thuyền nhân duy nhất không biết về chính sách nhân đạo của chính phủ Canada vào năm 2007 và cũng vì lý do rất đơn giản này mà anh vẫn còn bị kẹt lại ở đây cho đến bây giờ.

Lỗi của anh hay là lỗi của VOICE đã không cố tìm ra anh trong khoảng thời gian ấy để thông báo, giúp đỡ?

Lỗi ở thời thế hay đó chỉ là vì anh kém may mắn hơn người ta?

Vì các bạn có biết không, hôm nay tôi đang có mặt ở Mindanao để làm hồ sơ giúp anh thì mới biết được anh đã từng có dịp sang Đông Đức đi học và làm việc trước khi bị gửi trả về nước vào năm 1987. Nếu anh chỉ ở lại thêm 2 năm nữa thôi thì bây giờ anh đã trở thành người Đức rồi.

Về nước anh bị xếp vào tội “tuyên truyền chống chế độ” vì lúc ấy anh bảo anh đã có những tư tưởng quá cấp tiến, chỉ trích chế độ quá nhiều. Họ đã cho anh vào tù 6 tháng. Bởi vậy vừa được tạm tha là anh đã vội tìm đường vượt biên ngay.Nhưng lần đầu ra đi ở Vũng Tàu lại không thành nên anh đã bị cho vào đồn 4 tháng. Một lần khác ở Nha Trang cũng không thành nên anh bị cho vào bót thêm 6 tháng nữa.

Mãi cho đến cuối tháng 3 năm 1989 anh mới vượt biên thành công. Cùng với 57 người khác sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển.

Nhưng rất tiếc một lần nữa Trời đã phụ lòng người. Tàu anh cập bến vào ngày 4 tháng 4 năm 1989 tức là 13 ngày sau ngày “cut-off date” ở Philippines. Nếu anh đến trước ngày 21 tháng 3 năm 1989 thì anh đã được tự đương nhiên công nhận là tỵ nạn và chỉ trong vòng một năm anh sẽ được cho đi định cư.

Còn đằng này anh lại bị trễ tàu đến những 13 ngày!

Thế là anh bị cho vào trại chung sống với hàng ngàn thuyền nhân khác cũng cùng một cảnh ngộ. Sau đó ít lâu anh quyết định làm hồ sơ xin tỵ nạn. Nhưng vì không có tiền chạy chọt nên hồ sơ của anh đã bị từ chối. Anh làm giấy kháng cáo cũng bị bác.

Và kể từ đó năm này sang tháng nọ mãi cho đến khi trại tỵ nạn Palawan bị buộc phải đóng cửa và những người còn kẹt lại phải tự bươn chải, dọn ra ngoài để lo cho mình. Ít lâu sau anh cũng quyết định lấy vợ Philippines để mong là sẽ không bị cưỡng bức hồi hương.

Nhưng có ai ngờ cũng vì lý do này mà 8 năm sau chính phủ Mỹ đã từ chối hồ sơ của anh cùng với tất cả những ai có vợ con là người Philippines. Vì họ lý luận rằng những người này là trách nhiệm của Philippines. Mặc dù trên thực tế chẳng có nước nào chịu đứng ra làm tròn trách nhiệm.

Cũng may là sau nhiều năm tranh đấu, chính phủ Canada đã ra tay cứu vớt tất cả.

Ngoại trừ anh Trịnh Thọ.

Tôi tin rằng ở đời ai cũng có số cả. Ai đã có số đi thì ngay cả khi họ không thể tự giúp mình thì họ vẫn được đi. Còn những ai không có số đi thì có cố cách mấy họ cũng sẽ không bao giờ đến được bến bờ tự do như những người may mắn khác.

Nhưng điều đó có sẽ xảy ra không, đối với trường hợp của anh Trịnh Thọ? Cuối cùng thì số mạng của anh sẽ được an bài như thế nào? Hồ sơ kháng cáo tôi đang làm cho anh có chắc thành công không?

Nói thật chính tôi đây là người trong cuộc cũng chẳng bao giờ có thể trả lời cho câu hỏi này.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG