Đường dẫn truy cập

Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú hay bị bắt?


Ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:18 0:00

Ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú

Các luật sư nói rằng những thông tin mà chính phủ Việt Nam tung ra, nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú là thông tin mâu thuẫn, khó hiểu. Các chuyên gia pháp lý nói họ mong Việt Nam nên minh bạch thông tin vụ việc này để ‘không xúc phạm người dân.’

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu phó Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với VOA:

“Tin này nghe rất mâu thuẫn về mặt pháp luật khi Việt Nam đưa tin. Nhiều tin trái qua, trái lại nghe rất khó hiểu.”

Hôm 31/7, một thông báo của Bộ Công an Việt Nam loan tin ông Trịnh Xuân Thanh, một người đang bị truy nã, “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.”

Luật sư Thuận nói rằng một khi đã bị truy nã đặc biệt thì không thể có chuyện người bị truy nã đang ở nước ngoài về lại Việt Nam, đi ngang nhiên giữa thủ đô Hà Nội mà không bị bắt, vì bắt cứ công dân nào cũng có thể bắt ông, chưa kể tới lực lượng công an:

“Có người cho rằng ông này đi từ nước ngoài về, có người nói ông bị bắt ở nước ngoài và bị dẫn về. Nếu ông tự đi từ nước ngoài, làm gì một người bị truy nã lại có thể đi lại giữa thủ đô, và đến đầu thú tại Bộ Công an. Nghe tin này lạ tai lắm. Nếu ổng bị truy nã thì người ta bắt chứ làm sao có chuyện ra đầu thú.”

Mặc dù có nhiều tin đồn đại, hiện vẫn chưa biết rõ ông Thanh đã trốn ở nước nào hay những nước nào từ tháng 8 năm ngoái.

Luật sư Trần Quốc Thuận nói ông có nghe một giả thuyết là ông Thanh bị bắt khi đang đi dạo trong một công viên ở Đức, rồi sau đó ông được đưa về Việt Nam.

Báo mạng Thờibáo.de Việt ngữ tại Đức có bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã "bị bắt cóc" tại Berlin vào ngày 23/7 và sau đó bị đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, VOA chưa kiểm chứng được nguồn tin này.

Hôm Chủ nhật 30/7, có nhiều thông tin lan rộng trên mạng xã hội nói rằng ông Thanh “đã bị dẫn độ về nước,” nhưng phía chính quyền lúc đó vẫn im tiếng.

Chia sẽ quan điểm với luật sư Trần Quốc Thuận, luật sư Lê Quốc Quân nói rất khó tin việc ông Thanh ra đầu thú:

“Tôi nghĩ rằng việc báo chí Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh trở về ra đầu thú với cơ quan an ninh là một trò trẻ con, một tin trẻ con – thực sự xem thường nhận thức của nhân dân Việt Nam và thể hiện sự lạc hậu của nền báo chí. Vì một người đang bị truy nã quốc tế thì không thể đang ở nước ngoài lại đi đầu thú ở Việt Nam. Nói rằng tự ra đầu thú ở Việt Nam là cách nói lấy được và điều đó hoàn toàn không ai tin. Người dân nghe tin này cũng bị xúc phạm: đã bị truy nã thì sao qua được biên giới! đã truy nã thì thấy đâu phải bắt đó chứ!.”

Luật sư Quân không tin có việc Đức dẫn độ ông Thanh về Việt Nam:

“Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng Đức đã dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, bởi vì dẫn độ thì Đức phải công khai, ông phạm tội gì, lý do gì, và dẫn độ theo những yêu cầu nào, yêu những quy định nào của LHQ.”

Hôm 31/7, Blogger ‘Người Buôn gió’ tức Bùi Thanh Hiếu từ Đức viết trên Facebook: “Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là câu chuyện vớ vẩn mà báo chí Việt Nam bịa ra, sở dĩ phải làm thế để che đậy vụ bắt người trái pháp luật ở nước khác..… Các luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức đang trình lên chính phủ Đức việc nhà cầm quyền Việt Nam dùng vũ lực bắt cóc người tại Đức, có thể khả năng sẽ xảy ra một vụ rạn vỡ quan hệ ngoại giao Việt-Đức.”

Blogger Bùi Thanh Hiếu viết: “Những người bạn của anh ta, bao gồm cả luật sư người nước ngoài, đều khẳng định anh ta không thể bị bắt ở nước Đức này, họ đã xem xét hết mọi điều luật…Không áp lực nào có thể đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam khi chưa có lệnh toà án Đức.”

Theo VNExpress, Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Vào tháng 9/2016, ông Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gần 3.300 tỉ đồng (khoảng 147 triệu đôla), và dính líu trong một vụ bê bối lớn về bất động sản ở Hà Nội.

Một tháng trước khi bị khởi tố, ông Thanh “biến mất,” và Việt Nam phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.

Sau khi gây thua lỗ ở PVC, ông Thanh vẫn tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng. Sau đó, ông được chuyển làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Luật sư Thuận nói rằng chính quyền Việt Nam phải minh bạch thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh:

“Các cơ quan chức năng phải công khai cho mọi người biết trong thời gian vừa qua Trịnh Xuân Thanh đã ở đâu, làm gì, có ở nước ngoài không? Nếu ở nước ngoài thì làm sao ra nước ngoài được, làm sao đưa về nước được, làm sao ông đi qua đi lại mà không bị phát hiện? Tại sao có lệnh truy nã nhưng sao không bắt? Tất cả những điều này rất mâu thuẫn và khó hiểu. Người ta thấy rất lạ. Trong thời kỳ thông tin minh bạch, mong rằng các cơ quan chức năng sớm nói rõ ra.”

Câu chuyện về ông Trịnh Xuân Thanh tại thời điểm này hãy còn nhiều bí ẩn.

Hôm 1/8, VietnamNet trích lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nói rằng: “Interpol cũng truy nã, giúp Việt Nam bắt được” Trịnh Xuân Thanh.

Theo ông Cương, ông Thanh không “đơn thương độc mã, phải có một lực lượng che chắn phía sau,” và “từ sai phạm của Trịnh Xuân Thanh sẽ thể hiện sai phạm của một loạt cán bộ liên quan.”

Ông nói muốn làm rõ điều này, cần sự trung thực từ Trịnh Xuân Thanh và cái tài của cơ quan điều tra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG