Cũng nhanh như khi Triều Tiên rút các quan chức ra khỏi văn phòng liên lạc chung ở Kaesong hôm 22/3, Bình Nhưỡng đã đưa họ trở lại hôm 25/3 mà không một lời giải thích.
Văn phòng liên lạc liên Triều được mở ra sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Một số phân tích gia đã diễn giải quyết định rút người của Bình Nhưỡng là ‘phản ứng trước lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với một số thực thể của Triều Tiên’ và ‘cho họ quay lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ các lệnh trừng phạt này’, theo lời ông Bruce Klinger, học giả nghiên cứu cao cấp về đông bắc Á tại Sáng hội Heritage.
“Có khả năng như thế,” ông Klinger cho biết trong email gửi đến VOA, “nhưng tôi không cho rằng chúng ta có thể nói có mối quan hệ nhân-quả ở đây. Thường mất một lúc lâu Triều Tiên mới phản ứng.”
Ông Klinger nói rằng nếu đó là dấu hiệu gì đó thì đó sẽ là ‘dấu hiệu rất mơ hồ và vòng vo khi họ trừng phạt Hàn Quốc vì những hành động của Mỹ’.
“Tôi cho rằng nó là sự tiếp tục của xu hướng mới đây sau cuộc gặp ở Hà Nội mà ở đó Triều Tiên dường như bác bỏ vai trò của Hàn Quốc,” ông nói thêm.
Ông Kim Dong-yub, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, nói rằng phân tích quá mức về ý định của Triều Tiên là không phù hợp.
“Chúng ta có lẽ bỏ qua thông điệp chủ chốt nếu chúng ta đoán rằng việc rút người này có quan hệ với Mỹ và phi hạt nhân hóa. Việc rút người này có thể được xem là hoài nghi về vai trò của văn phòng liên lạc,” ông Kim nói. “Nó cũng cho thấy sự bất mãn của Triều Tiên với miền Nam.”
Ông cho rằng hành động của Triều Tiên ở văn phòng liên lạc chung là do tình trạng của mối quan hệ liên Triều.
Ông Nam Sung-wook thuộc Khoa Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Triều Tiên cũng có kết luận tương tự.
Triều Tiên nghĩ rằng họ có lợi thế đối với chính sách của Hàn Quốc về Triều Tiên, ông Nam nói. “Việc rút người là dấu hiệu bất mãn với Seoul cũng như là cách gây sức ép lện Seoul để thuyết phục Mỹ dỡ các lệnh trừng phạt hay ép Seoul nối lại các hình thức hợp tác kinh tế liên Triều.”
Tuy nhiên, ông Klinger lưu ý rằng Bình Nhưỡng đã ‘bác bỏ’ vai trò trung gian đàm phán của Hàn Quốc và dẫn lại bình luận mới đây của thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên làm bằng chứng.
“Chủ tịch Moon là người cổ súy mạnh mẽ nhất của việc giảm các lệnh trừng phạt của Triều Tiên hay được miễn trừ một số lệnh trừng phạt để họ có thể trợ giúp kinh tế cho miền Bắc,” ông Klinger nói.
“Sức ép từ tác động lũy tiến của 11 nghị quyết Liên Hiệp Quốc, Mỹ và luật pháp quốc tế là điều đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán,” ông Klinger nói. “Chỉ có tiếp tục và tăng cường các biện pháp cấm vận cùng với ngoại giao thực tế và củng cố năng lực răn đe chung thì may ra mới khiến Triều Tiên giải trừ hạt nhân.”
“Không chỉ thiếu vốn liếng chính trị, Tổng thống Moon Jae-in cũng bị gò bó bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc,” ông Klinger nói. “Khác với những vị tiền nhiệm cấp tiến, ông Moon không thể ném những bao tiền qua phía Bắc khu phi quân sự bởi vì bất cứ sự hợp tác về kinh tế nào với miền Bắc sẽ có nguy cơ vị phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.”