Đường dẫn truy cập

Trong bức thư viết trước khi bị hành quyết, tử tù Lê Văn Mạnh muốn gia đình tiếp tục kêu oan cho mình


Tử tù Lê Văn Mạnh khi bị giam tại trại giam Cầu Cao ở Thanh Hóa. Trong bức thư viết cho gia đình trước khi bị hành quyết hôm 22/9, ông Mạnh muốn gia đình tiếp tục kêu oan cho bản án tử hình mà ông bị tuyên vào năm 2005.
Tử tù Lê Văn Mạnh khi bị giam tại trại giam Cầu Cao ở Thanh Hóa. Trong bức thư viết cho gia đình trước khi bị hành quyết hôm 22/9, ông Mạnh muốn gia đình tiếp tục kêu oan cho bản án tử hình mà ông bị tuyên vào năm 2005.

Gia đình tử tù Lê Văn Mạnh vừa nhận bức thư cuối cùng, được ông viết trước khi bị hành quyết hồi cuối tháng 9, trong đó ông Mạnh khẳng định mình không có tội và mong gia đình tiếp tục đi kêu oan cho ông.

“Bố mẹ ạ, hôm nay nhà nước đưa con đi thi hành án. Con viết về cho bố mẹ vài dòng.”

Đó là những lời mở đầu trong bức thư ông Mạnh gửi gia đình mà em trai ông, Lê Văn Cường, chia sẻ với VOA. Ông Cường cho biết gia đình nhận được bức thư sau khi nhiều lần yêu cầu trại giam Cầu Cao ở Thanh Hóa trả lại những đồ dùng cá nhân của tử tù đã bị thi hành án.

Ông Mạnh bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc hôm 22/9 tại nơi thi hành án ở tỉnh Hòa Bình theo lệnh của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông Mạnh chỉ được thông báo sau khi ông đã bị xử tử và đã được chôn cất tại nghĩa trang Chợ Nhàng ở TP Thanh Hóa, nơi ông từng sinh sống.

Bốn ngày sau khi thi hành án, trại giam trả lại cho gia đình đồ dùng cá nhân của ông Mạnh, gồm quần áo và chăn gối, nhưng gần một tháng sau, ngày 23/10, mới bàn giao cho gia đình bức thư và một đĩa ghi âm những lời nói cuối cùng của ông Mạnh sau khi được gia đình yêu cầu nhiều lần.

“Nội dung và chữ viết, theo tôi, đúng là của anh trai tôi,” ông Cường nói. “Trong bức thư (anh Mạnh) hỏi thăm bố mẹ và mong bố mẹ (sau khi) con chết rồi vẫn tiếp tục kêu oan cho con.”

Ông Mạnh bị TAND Thanh Hóa kết án tử hình tội giết người vào tháng 7/2005 và bị giam giữ cho đến khi bị thi hành án. Trong toàn bộ 7 phiên tòa xét xử và thông qua những lá thư gửi ra cho gia đình, ông Mạnh, bị kết án lúc 23 tuổi, luôn nói rằng ông không giết người.

Gia đình ông gửi đơn và đến trước cửa các cơ quan công quyền để kêu oan cho ông trong suốt gần 19 năm qua. Các tổ chức quốc tế cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam không thi hành án tử hình ông Mạnh vì cho rằng ông bị kết án oan sai.

“Con không làm gì nên tội cả nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm,” ông Mạnh viết trong bức thư và coi cái chết “nhẹ như lông hồng”. “Con chết rồi, Bố Mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước đến cùng. Cho đến khi nào con được minh oan thì thôi, vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ!”

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, Morris Tidball-Binz, đầu tháng này nói rằng ông “bàng hoàng” và “thất vọng” trước việc chính phủ Việt Nam hành quyết tử tù Lê Văn Mạnh bất chấp những lời kêu gọi từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế đòi ngừng thi hành bản án. Trong tuyên bố đưa ra hôm 2/10, chuyên gia của LHQ nói rằng có “những nghi ngờ sâu sắc về tính công bằng của quá trình xét xử ông (Mạnh) và những cáo buộc đáng tin cậy về việc ông (Mạnh) bị tra tấn hoặc bị ngược đãi để buộc phải nhận tội.”

Các luật sư đại diện cho gia đình ông Mạnh khi gửi thỉnh nguyện thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng trước nói rằng họ thấy có những vấn đề “được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”

Ông Mạnh bị kết tội giết Hoàng Thị Loan, lúc đó mới 14 tuổi, sau khi hãm hiếp trẻ vị thành niên này. Hồ sơ vụ án được truyền thông trong nước trích dẫn nói vụ việc xảy ra ngày 21/3/2005. Tuy nhiên, mẹ ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Việt hôm 19/9 nói với VOA rằng con trai bà ngày hôm đó cùng bà đi chuyển nhà cho em gái nên không thể là người gây ra án mạng.

Bất chấp các chứng cứ ngoại phạm của ông Mạnh, tòa án vẫn kết tội ông dựa trên lời khai duy nhất của ông mà sau đó ông rút lại vì nói rằng ông bị “bức cung nhục hình” trong thời gian bị giam giữ để phải nhận tội mà ông không làm.

Năm tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án gay gắt việc hành quyết ông Mạnh khi cho rằng “không có bằng chứng, vật chứng nào chứng minh ông Mạnh phạm tội hiếp dâm và giết người.” Các tổ chức, trong đó có Ân xá Quốc tế, nói trong tuyên bố đưa ra hôm 27/9 rằng bằng chứng duy nhất được công tố đưa ra là lá thư “thú tội” của ông Mạnh mà ông đã rút lại vì cho là bị ép cung và tra tấn để phải nhận tội.

Ông Mạnh bị hành quyết hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam để nâng cấp quan hệ hai nước. Các tổ chức xã hội dân sự trước đó đã khẩn cầu ông Biden đề nghị các lãnh đạo Việt Nam ngừng thi hành án đối với ông Mạnh và hai tử tù khác là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, mà họ cho là bị kết án oan sai.

“Hết đời bố mẹ chưa kêu được oan cho con thì đến đời các em, các con phải kêu cho kỳ bằng được,” ông Mạnh viết trong bức thư cuối cùng gửi gia đình.

Ông Cường cho biết anh trai tử tù của ông còn nói những lời cuối cùng cho gia đình được ghi âm trong một đĩa CD nhưng, theo ông, nội dung đã bị xóa hầu hết trước khi tới tay gia đình.

“Bản ghi âm lời nói cuối cùng của anh trai tôi chỉ có 18 giây, chỉ có mấy câu nghe không rõ, xoạt xoạt rồi hết,” ông Cường nói về những thắc mắc đối với đại diện trại giam về đĩa CD gia đình nhận được hôm 23/10. “Bên trại giam, người được cử ra đại diện làm việc với (gia đình) bảo là bên công an họ giao lại thế nào thì bên trại giam giao lại cho gia đình như vậy thôi chứ không biết nội dung thế nào.”

Một người ở phòng trực ban của Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời cuộc gọi của VOA ngày 25/10 nói họ không “nắm được thông tin vụ việc” và “chỉ tiếp nhận thông tin về tố giác tội phạm”. Một người tiếp nhận cuộc gọi của VOA tới ban trực tiếp dân của phòng Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nói rằng họ “không có thẩm quyền tiếp nhận thông tin” khi được hỏi về đĩa CD ghi âm mà gia đình Lê Văn Mạnh nhận được không có đầy đủ nội dung.

Ông Cường tin là có bản ghi âm đầy đủ lời nói của anh trai mình và cho biết gia đình sẽ gửi đơn lên công an tỉnh để yêu cầu cung cấp.

Trong lúc đó, gia đình ông Mạnh vẫn tiếp tục đi kêu oan cho ông. Ngày 19/10, bà Việt và ông Cường cùng bố mẹ của Nguyễn Văn Chưởng, người đã có quyết định thi hành án tử hình từ ngày 4/8, đã đến trước Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội để kêu oan cho hai tử tù, một trong đó đã bị hành quyết.

“Theo di nguyện của anh trai tôi, từ trước đến nay, là nếu họ cố tình giết con, giết anh thì gia đình mình vẫn phải tiếp tục đi kêu oan cho kỳ bằng được và khi nào kêu oan được thì mới thôi,” ông Cường nói. “Anh trai tôi là người không có tội. Họ giết (anh) khi mình vẫn đi kêu oan. Đời bố mẹ tôi không được, đến đời các em không được thì đến đời các con. Các con không được thì đến đời các cháu, khi nào được thì thôi.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG