Đường dẫn truy cập

Người đứng đầu Văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia ở Hong Kong là ai?


Tư liệu- Ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), phải, ngày mở cửa Văn phòng Bảo vệ An ninh quốc gia ở Hong Kong, 8/7/2020. Bên cạnh ông là ông Luo Huining, Giám đốc Văn phòng liên lạc,Trưởng đặc khu Carrie Lam và hai quan chức khác.
Tư liệu- Ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), phải, ngày mở cửa Văn phòng Bảo vệ An ninh quốc gia ở Hong Kong, 8/7/2020. Bên cạnh ông là ông Luo Huining, Giám đốc Văn phòng liên lạc,Trưởng đặc khu Carrie Lam và hai quan chức khác.

Hai mươi ba năm từ khi vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc dựa trên cam kết vùng lãnh thổ này sẽ được hưởng một nền tự trị rộng rãi và một nền tư pháp độc lập cho đến năm 2047, Bắc Kinh đã nuốt lời hứa khi quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia Hong Kong có hiệu lực tức thời vào đêm thứ Ba 30/6/2020, ngay trước ngày đánh dấu sự kiện Hong Kong chính thức ‘trở về mẫu quốc’ theo nguyên tắc “Một quốc gia, Hai thể chế”.

‘Món quà sinh nhật cho Hong Kong’

“Luật an ninh quốc gia là món quà sinh nhật cho Hong Kong, mà giá trị quý báu sẽ được chứng nghiệm trong tương lai”, cựu giám đốc Văn phòng Các vấn đề về Hong Kong và Macao Zhang Xiaoming nói.

Món quà quý báu đã có hậu quả tức thời với vụ bắt bớ đầu tiên xảy ra chưa đầy 24 giờ sau khi Luật an ninh Hong Kong được thông qua.

Bắc Kinh chọn một quan chức có thành tích trấn dẹp biểu tình

Vài ngày sau khi thông qua Luật an ninh, Quốc vụ viện bổ nhiệm ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) ra đứng đầu Văn phòng Bảo vệ An ninh quốc gia tại Đặc khu Hong Kong.

Tư liệu- Ảnh chụp ngày 13/12/2011, dân làng hô khẩu hiệu tại cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm, thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông.
Tư liệu- Ảnh chụp ngày 13/12/2011, dân làng hô khẩu hiệu tại cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm, thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông.


Theo báo chí quốc tế, ông Trịnh Nhạn Hùng, 56 tuổi, là một nhân vật có lập trường cứng rắn, thành tích nổi bật của ông là dùng vũ lực trấn dẹp các cuộc biểu tình bạo loạn ở làng Ô Khảm năm 2011, thời ông là Thị trưởng thành phố Sán Vĩ ở tỉnh Quảng Đông.

Dân làng Ô Khảm biểu tình chống tham nhũng, tố cáo họ bị cưỡng chế đất mà không được đền bù. Các cuộc biểu tình bắt đầu trong ôn hòa vào tháng 9/2011 nổ ra thành bạo loạn sau khi một trong những đại diện của làng chết trong khi bị giam giữ tại trạm công an.

Dân làng nổi giận, buộc các quan chức Đảng Cộng sản và công an, bảo vệ phải chạy trốn khỏi làng.

Ngày 14 tháng 12 năm 2011, 1.000 công an, cảnh sát bao vây làng, phong tỏa ngôi làng, cắt điện và nước ngăn chặn thực phẩm và hàng hóa được đưa vào làng.

Dân làng, kể cả trẻ con và người già, bị đánh đập không nương tay. Ông Trịnh tán thành việc bắt bớ hàng loạt người dân, trong đó có đại diên dân làng Xue Jinbo, người đã chết tại trạm công an. Công an nói ông chết vì đau tim. Gia đình tố cáo với báo chí quốc tế rằng ông đã bị đánh đập tới chết vì trên người có nhiều vết bầm tím.

Giờ đây ông Trịnh tái xuất hiện trong vai trò mới khi ông được giao phó trách nhiệm thực thi Luật an ninh Hong Kong.

Những người chống đối Luật an ninh Hong Kong cho rằng việc bổ nhiệm ông Trịnh Nhạn Hùng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không nương tay với những người đấu tranh đòi dân chủ ở Hong Kong.

“Bắc Kinh sẽ đưa ra một lập trường hết sức cứng rắn, nhà hoạt động dân chủ Albert Ho nói với ban Hoa ngữ- VOA.

Ông nói quyết định này đặt ông Trịnh ở trung tâm quyền lực, bên cạnh ông Luo Huining, người đứng đầu Văn phòng liên lạc ở Bắc Kinh, và bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hành chánh Hong Kong.

Tương lai nào cho Hong Kong?

Nói về ông Trịnh Nhạn Hùng, báo Washington Post viết rằng “không có gì trong quá trình của ông Trịnh có thể trấn an những người biểu tình thân dân chủ ở Hong Kong”.

Tuyên bố của ông Trịnh rằng Bắc Kinh không có ý định đập tan đối lập ở Hong Kong, mà chỉ muốn vãn hồi trật tự và an ninh, hình như không thuyết phục được nhiều người.

Nhưng liệu cảnh tượng cảnh sát dùng vũ lực trấn dẹp dân làng ở Ô Khảm, có thể tái diễn ở Hong Kong dưới tay ông Trịnh Nhạn Hùng?

Ông Michael Chugani, một phóng viên truyền hình nhiều năm kinh nghiệm nói với VOA:

“Vâng, ông Trịnh là một người cứng rắn. Ông ta là người không khoan nhượng, nhưng liệu ông có dùng bạo lực ở Hong Kong? Không ai biết ông Trịnh sẽ tiến xa tới mức nào. Truyền thông lo ngại về Luật an ninh Hong Kong bởi vì luật này quá mơ hồ. Họ không biết đâu là ‘lằn ranh đỏ’ không được vượt qua.”

Willy Lam, nhà phân tích chính trị Trung Quốc ở Hong Kong, nói ông nghi rằng Bắc Kinh có thể siết chặt Hong Kong thông qua Văn phòng Bảo vệ an ninh quốc gia, và truyền thông sẽ bị kiểm duyệt nhiều hơn.

Nhà phân tích Willy Lam nói ông không mấy lạc quan về tương lai của Hong Kong cũng như môi trường truyền thông tại đặc khu hành chánh này.

Hồi đầu tháng này, các thư viện đã rút lại nhiều cuốn sách mà tác giả là người ủng hộ dân chủ, và Hong Kong từ chối gia hạn giấy phép làm việc của một phóng viên báo New York Times. Tờ báo có uy tín này loan báo sẽ dời văn phòng sang Hàn quốc.

Một lãnh đạo địa phương tên Zhuang đã sang Hoa Kỳ tị nạn vào năm 2014, nói với VOA:

“Tôi tin rằng ông Trịnh hoàn toàn không có chút tôn trọng nào đối với dân chủ. Ông ta có tư duy của một nhà độc tài. Ông ta là một người tàn nhẫn, và không dừng lại ở bất cứ điều gì để đạt được mục đích của mình.”

Tại lễ nhậm chức của ông ở Hong Kong mới đây, ông Trịnh Nhạn Hùng nói văn phòng do ông lãnh đạo quyết tâm thực thi sứ mạng được giao phó, và ông kêu gọi các bộ sở khác tại Hong Kong hãy giúp ông để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, trong khi cùng lúc cổ vũ cho “một quốc gia, hai chế độ”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG