Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, ông đã ra lệnh cho Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan (ICE) mở chiến dịch kiểm tra trên toàn quốc, nhắm vào các cộng đồng người nhập cư có tiền án. Hàng trăm người Việt cư trú bất hợp pháp đã bị bắt giữ và có nguy cơ bị trục xuất.
Ba tổ chức thiện nguyện -- Trung tâm Hành động vì Nguồn lực Đông Nam Á -SEARAC, APIROC, và Vietlead -- cùng đưa ra một thông cáo hôm 11/4 cho biết "chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 3, gần 100 người Việt đã bị bắt giữ, phần lớn là tại trại giam York County ở bang Pennsylvania và khu tạm giam Krome ở bang Florida.”
Ngay bây giờ các tổ chức của mình đang nghiên cứu các hồ sơ, tập hợp lại và làm việc với các tổ chức như Liên Đoàn Bảo vệ Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ - ACLU để mình có thể kiện lại ICE.Nancy Nguyễn
Chị Nancy Nguyễn, Giám đốc Điều hành của VietLead có trụ sở ở Philadelphia, bang Pensylvania, cho VOA biết ba tổ chức này hiện đang tập hợp các hồ sơ người Việt bị giam giữ, một mặt vận động ICE thả người, mặt khác làm việc với Liên Đoàn Bảo vệ Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ - ACLU để kiện lại ICE.
“Trên nguyên tắc là trên 6 tháng là ICE không được giữ người. Mình biết là ICE có giữ người. Ngay bây giờ các tổ chức của mình đang nghiên cứu các hồ sơ, tập hợp lại và làm việc với các tổ chức như Liên Đoàn Bảo vệ Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ - ACLU để mình có thể kiện lại ICE.”
Anh Nguyễn Thanh Tùng, sáng lập viên của APIROC tại quận Cam, California, tổ chức hỗ trợ tái hoà nhập cho người Châu Á - Thái Bình Dương cho VOA biết dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, ICE mạnh tay với đối tượng nằm trong diện có thể bị trục xuất so với trước:
“Khi Tổng thống mới lên thì Tổng thống có chính sách mạnh tay hơn về vấn đề trục xuất, trao thêm quyền cho Sở Di trú để bắt người. Trong tháng gần đây thì những người Việt Nam đang trong trình trạng bị trục xuất – nay bị bắt trở lại nhiều hơn những năm về trước.”
Anh Tùng nói đa số các trường hợp mà nhóm của anh biết được là do người nhà liên lạc để nhờ tư vấn và trợ giúp.
Anh Tùng cho biết thêm bản thân anh cũng có tiền án nên không được nhập quốc Mỹ, suốt thời gian dài sống trong sợ hãi. Nay dưới chính Tổng Thống Donald Trump thì nỗi sợ đó càng tăng thêm:
Trong vòng một tháng nay Sở Di trú có một cách làm việc rất là lạ: họ kêu ra trình diện theo định kỳ, nhưng lên thì họ bắt luôn.Tùng Nguyễn
“Trong vòng một tháng nay Sở Di trú có một cách làm việc rất là lạ: họ kêu ra trình diện theo định kỳ, nhưng lên thì họ bắt luôn. Họ gom từ nhiều tiểu bang về, một là Pensylavnia hai là Florida. Sau khi chính quyền Việt Nam phỏng vấn và không chấp cho về Việt Nam thì hình như ICE đưa họ về tạm giam một nơi gần gia đình của họ.”
Chị Nancy Nguyễn nói trong một thông cáo: “Nhưng chính quyền mới đã cho ICE thêm quyền hạn để giam cầm và giám sát cộng đồng chúng tôi - và kết quả là sự gia tăng đáng lo ngại các vụ giam cầm mới, thậm chí đối với những cá nhân mà theo bản thoả thuận giữa Mỹ và Việt Nam là không thể bị trục xuất được.”
Theo anh Tùng, một vụ điển hình về việc ICE bắt người vô lý là trường hợp của anh Trần Thi Vị ở bang Ohio.
Năm 2005, anh Trần Thi Vị bị xử 3 năm tù sau một vụ ẩu đả, nhưng khi mãn hạn 3 năm tù thì Sở Di trú bắt giam anh thêm một năm nữa, yêu cầu trục xuất anh về Việt Nam, nhưng khi ấy phía Việt Nam từ chối tiếp nhận. Cho đến năm 2009 anh mới được thả ra, nhưng lại bị tịch thu thẻ xanh. Vào ngày 24/3/2017, anh Vị lại bắt một lần nữa, đối mặt với nguy cơ trục xuất lần 2. Chị Angel Lina, vợ của anh Trần Thi Vị nói với VOA – Việt Ngữ:
“Ngày 24/3, khoảng 4 người của Sở Di trú đến nhà em, đưa chồng em đi lên văn phòng để trình diện. Đến tối chồng em gọi điện về nói là người ta đã bỏ ảnh vào tù. Chúng em vừa lo sợ vừa căng thẳng không có để ý tới giấy tờ, cũng không hỏi tới. Lúc người ta bắt thì không có nói là bị trục xuất. Nhưng sau khi bị bắt, ảnh nói người ta giữ ảnh lại để làm giấy tờ trục xuất.”
VOA chưa thể liên lạc với Tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ để xác nhận thông tin trường hợp bị từ chối tiếp nhận người bị trục xuất này.
Chị Angel Lina đã tìm đến một luật sư ở Seattle, bang Washington, thì luật sư này nói rằng theo luật thì ông xã chị chỉ bị giam đến 6 tháng. Chị Angela Lina nói chị đã thuê luật sư xin tòa mở lại hồ sơ trục xuất để tái xét (filed a motion to re-open) cách đây 3 tuần nhưng vẫn phải chờ vì phía Sở Di trú rất “căng” và “chưa trả lời.”
“Em cảm thấy lạ tại vì đã có lệnh trục xuất một lần rồi, Việt Nam đã trả lời là không cấp hộ chiếu cho mình rồi mà người ta lại tới bắt đi một lần nữa. Cách nay một tuần em có nhận được lá thư của Đại sứ quán Việt Nam gửi cho chồng em, nói rằng người ta cũng sẽ không cấp hộ chiếu cho chồng em để trục xuất lần này, theo thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008.”
Theo hiệp định trục xuất đã được ký kết giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam ngày 22/1/2008, chỉ có những công dân Việt Nam nào tới Hoa Kỳ sau ngày 11/07/1995 nếu đã bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất, thì sẽ phải hồi hương về Việt Nam. Vì thế những người Việt Nam nào tới Hoa Kỳ vào ngày hoặc trước ngày 11/07/1995, cho dù đã có án lệnh yêu cầu rời khỏi Hoa Kỳ, vẫn không được chính phủ Việt Nam đồng ý cấp giấy thông hành để hồi hương về Việt Nam.
Trước đây khi hiệp định chưa được ký, sau khi đương sự bị lệnh trục xuất cuối cùng, thì Sở Di Trú có 90 ngày trả đương sự về quốc gia của họ. Nếu sau 90 ngày mà không trả đương sự về quốc gia của họ được thì Sở Di Trú phải thả đương sự ra với điều kiện đương sự phải trình diện theo quy định của Sở Di Trú. 90 ngày đó đã được Tối Cao Pháp Viện điều chỉnh lại là 6 tháng.
Anh Tùng nói theo thống kê từ 2008 đến năm 2010 mà APIROC có được thì có đến 12.000 người Việt Nam ở Hoa Kỳ nằm trong diện chờ trục xuất. Cũng theo anh Tùng, hàng năm Việt Nam tiếp nhận khoảng 100 người bị trục xuất từ Mỹ.
Hôm thứ Hai, chị Nancy Nguyễn cho VOA biết, chị mới tiếp nhận thông tin về một trường hợp khác:
“Mới sáng nay biết có người bị giữ 9 tháng rồi, tới Mỹ năm 1982. ICE không có quyền giữ người này- Việt Nam đã từ chối, nhưng ICE vẫn cứ giữ. Bây giờ mình phải vận động cho ICE thả ra.”
Trong thông cáo báo chí nêu trên, ba nhóm thiện nguyện trích lời bà Jessica Shullruff Schneider, một luật sư luật di trú và giám thị chương trình "Giám sát việc giam giữ" của tổ chức Công lý cho Di dân tại Miami, Florida nói rằng: “Người Việt đang bị giam chủ yếu là vì những lầm lỗi từ nhiều năm trước. Khi luật di trú khắc nghiệt được thi hành mù quáng như thế này, sẽ thường dẫn đến các hậu quả bất công.”
Nhận định của bà Schneider phần nào làm dịu nỗi đau của chị Angela Lina, nhưng chị vẫn chưa biết ngày về của chồng mình:
“Cầu mong người ta thả chồng em ra vì nếu Việt Nam không nhận mà giữ chồng em trong đó thì thật là vô lý. Em rất cần ảnh, mà con cái cũng cần ảnh nữa.”
Các nhà vận động khuyên rằng các nạn nhân, gia đình và cộng đồng nên gạt bỏ sự mặc cảm hay xấu hổ, cùng lên tiếng, tiếp cận với các tổ chức có khả năng và kiến thức pháp lý để nhanh chóng bảo vệ người theo pháp luật:
“Chúng tôi đang tổ chức trong cộng đồng mình và khuyến khích những người bị ảnh hưởng trực tiếp tìm kiếm giúp đỡ thay vì giữ im lặng. Luật di trú và công lý hình sự không công bằng và chúng ta cần vận động để chấm dứt điều này xảy ra với cộng đồng của chúng ta."