Tổng thống Donald Trump đã nhiễm SARS-CoV-2, tên chính thức của loài vi khuẩn gây bệnh dịch Vũ Hán, tên chính thức là Covid-19 mà ông Trump còn gọi là Kung Flu. Mọi người, kể cả bà Pelosi đều cầu chúc ông Trump và bà Melanie mau lành bệnh. Mà chắc ông bà sẽ an toàn, trước ngày dân Mỹ bỏ phiếu trong gần bốn tuần lễ nữa.
Ông Trump may mắn chỉ nhiễm bệnh rất trễ, sau nhiều người Mỹ khác (bẩy triệu, con cố chính thức). Vì sau gần chín tháng đấu võ với loài virus SARS-CoV-2 (Xa Cô Vi), các bác sĩ đã rút kinh nghiệm nên biết nhiều cách chữa trị hơn. Nhiều thứ thuốc đã được dùng đồng thời, mỗi thứ chặn đường loài virus một cách khác nhau. Có thứ thuốc tấn công vào một bộ phận của vi khuẩn, là cây kim chọc vẫn giúp nó bám vào các tế bào trong thân thể con người. SARS-CoV-2 mọc tua tủa những cây kim, hễ thấy các chất protein ACE2 là nó chọc vào rồi bám lấy. Có thứ thuốc làm cho tế bào ACE2 mất sức hấp dẫn, vi khuẩn không bám vào và làm hại phổi con người nữa. Có thứ thuốc khác giảm bớt hoạt động của hệ thống miễn nhiễm, giảm vừa đủ để cho cuộc chiến của các kháng thể chống loài virus vẫn tiếp tục nhưng không mạnh mẽ quá đến mức làm cho phổi bị tắc nghẽn vì bãi chiến trường. Có thứ thuốc thì chặn đường không cho loài virus tấn công sang tim và gan, vân vân. Dùng nhiều thứ thuốc, mỗi thứ ngăn chặn một thứ tác hại của SARS-CoV-2, người bị nhiễm bệnh dễ phục hồi và sẽ lành mau hơn. Cho nên ông bà Trump có thể yên tâm, họ sẽ chiến thắng loài virus!
Ông bà Trump sẽ hy sinh một thời gian sống ngăn cách như các con bệnh khác. Nhưng với hành động đó họ sẽ giúp tạo một khúc quanh trong chận chiến đối đầu với Covid-19. Tâm lý nhiều người Mỹ sẽ thay đổi. Và hy vọng họ sẽ thay đổi cả trong hành động. Bệnh dịch nhờ thế có thể sẽ được ngăn chặn hữu hiệu hơn, và chấm dứt sớm hơn.
Trước hết, về mặt tâm lý, những người hoài nghi nhất bây giờ cũng thấy Covid-19 là chuyện có thật, không phải là chuyện bịa đặt được thổi phồng lên. Covid-19 cũng không tự biến mất như một phép lạ; loài vi khuẩn SARS-CoV-2 không tự nhiên ngưng hoạt động khi thời tiết ấm hơn; chúng cũng không chỉ tấn công vào những người già yếu trong viện dưỡng lão và giới lao động nghèo chen chúc trong các căn nhà chật chội.
Bây giờ người ta công nhận: Ai cũng có thể bị nhiễm bệnh!
Cả nước Mỹ chỉ có một ông tổng thống cho nên chắc chắn ông phải được bảo vệ rất kỹ. Nếu có thứ vaccine nào đáng tin thì ông sẽ sử dụng ngay. Mỗi ngày ông đều được thử test, nhân viên làm việc chung quanh ông được thử đều đặn. Trong ngoài Tòa Bạch Ốc chắc phải được khử trùng thường xuyên. Tất cả những người sắp tới gặp ông tổng thống phải được thử test, có an toàn mới gặp. Ông cũng theo đúng các quy trình: Gặp ai không đến gần dưới 6 feet, không nói lớn để khỏi thở mạnh, không gần gũi người lạ quá 15 phút trong phòng kín.
Cho nên khi thấy ông tổng thống cũng bị nhiễm vi khuẩn thì mọi người sẽ thấy chính mình cũng nên đề phòng. Chắc mình không được bảo vệ kỹ như ông. Hơn nữa, dù các bác sĩ đã biết nhiều phương pháp trị Covid-19, chúng ta cần biết rằng sau khi khỏi bệnh rồi nhiều người sẽ còn bị tổn thương suốt đời, nếu vi khuẩn đã làm yếu buồng phổi hoặc tấn công các bộ phận khác!
Với tâm lý thay đổi như thế, hy vọng nhiều người Mỹ sẽ thay đổi hành vi, cách sống của mình. Trong đó có 11 phần trăm dân Mỹ nói họ không bao giờ đeo mạng che miệng và mũi. Ngay cả sau khi Tổng thống Trump khuyến cáo mọi người đeo mạng, nhiều người cũng không thay đổi.
Ông bộ trưởng y tế, Jerome Adams mấy tháng trước đã lên đài Fox News, một đài vẫn hay coi thường Covid-19, để kêu gọi dân Mỹ đeo mạng. Ông Adams nói: “Tôi năn nỉ, xin quý bạn hiểu cho, chúng tôi không cướp đoạt tự do của ai hết khi yêu cầu mọi người đeo mạng!”
Nhiều người không chịu nghe chắc vì họ không quen biết người nào đã nhiễm bệnh, không biết ai đã chết vì Covid. Một người dân Quận Cam, California, chống đeo mạng đến cùng, còn hãnh diện nói rằng: “Điều tuyệt diệu nhất trong đất nước chúng ta là tự do trên hết, y tế công cộng đứng sau rất xa, xa hạng nhì, hạng ba, … có lẽ hạng thứ 20!”
Bây giờ chắc nhiều người sẽ thấy nên coi Y tế công cộng là ưu tiên hàng đầu! Bởi vì cái giống SARS-CoV-2 này nó khác loài vi khuẩn đã gây bệnh SARS hồi xưa, hay bệnh cúm mỗi năm. Nó không truyền từ một người qua người khác, mà truyền mạnh nhất khi nhiều người tụ họp trong một nơi kín gió, và người bị nhiễm có khi không thấy triệu chứng nào cả, nhất là những người trẻ. Một người bị nhiễm có thể truyền cho không biết bao nhiêu người khác, mỗi người khác đó lại tiếp tay truyền vi khuẩn đi xa hơn!
Không ai biết chắc chắn người nào đã mắc loài vi khuẩn hay chưa, nếu không ai chịu đề phòng cho mọi người đỡ bị nhiễm thì chẳng mấy lúc sẽ đến lượt chính mình cũng mắc nợ với nó.
Hy vọng 11% những người Mỹ vẫn phủ nhận vi khuẩn này từ nay sẽ đề phòng: Đeo mạng, giữ khoảng cách 6 feet, rửa tay thường xuyên bằng xà bông, ăn, ngủ đầy đủ để giữ sức khỏe, không tụ tập đông người ở nơi kín gió, vân vân.
Nhưng thay đổi hành vi của từng cá nhân chưa đủ.
Nước Mỹ cần có những hành động tập thể! Nghĩa là cần chính quyền can dự, từ cấp làng xóm, cấp thành phố lên đến tiểu bang và liên bang! Cần xã hội công dân tham dự, trong đó có giới kinh doanh.
Có thể coi tấm gương của thành phố Guayaquil, đông dân nhất trong nước Ecuador, Nam Mỹ.
Vào tháng Ba SARS-CoV-2 tấn công nước Ecuador, thành phố Guayaquil với gần ba triệu dân bị dính ngay đợt đầu. Sáng kiến chống bệnh dịch hữu hiệu nhất không phải do các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đưa ra mà do một người trong ủy ban kế hoạch đô thị (urban planning), ông Hector Hugo, 32 tuổi. Vì ông quen vẽ bản đồ!
Vào cuối tháng Ba, số người chết ở Guayaquil tăng vọt. Giá một bình dưỡng khí từ $50 đô la tăng lên $1,500 đô la! Nhà xác không đủ chỗ, phải đem ra để trong tủ lạnh ở ngoài đường.
Ông Hugo đã thiết lập bản đồ để chỉ rõ những nhà nào, ở khu nào có người bị bệnh khó thở, nghi là đã dính vi khuẩn. Ông lý luận rằng quân thù này giỏi tàng hình, mình không biết nó ở đâu, cho nên phải tìm cách bắt nó lộ diện.
Ông đã đi tìm địa chỉ những bệnh nhân ở Sở Y tế và các nhà thương. Ông kiểm kê những cú điện thoại gọi cấp cứu 911, xem ai đã kêu xe cứu thương đế chở xác người hay người đang nguy ngập vì bệnh khó thở. Căn cứ vào đó, ông đánh dấu trên tấm bản đồ.
Với tấm bản đồ đó thành phố biết được khu vực nào bị bệnh nhiều nhất, và Xa Cô Vi có thể lan đến khu nào khác. Người ta không chờ các con bệnh đến nhà thương mà đến thẳng những nơi nghi có người bị bệnh. Và họ cũng tìm cho biết những người nào đã gần gũi các bệnh nhân, yêu cầu họ tự cách ly.
Nhưng công trình của ông Hugo không được ai chú ý. Chính quyền còn bận với trăm ngàn chuyện khác, cũng để chống Covid-19! Cuối cùng, ông Hugo phải lôi kéo các công dân, trước hết là các bác sĩ, rồi các nhà kinh doanh. Giới làm ăn sẵn sàng giúp vì họ biết có ngăn được Xa Cô Vi thì kinh tế mới trở lại bình thường. Sau cùng, người hăng hái đứng ra giúp ông Hugo là bà Thị trưởng Cynthia Viteri, vì chính bà và chồng con bà đều đã bị virus Xa Cô Vi tấn công.
Cuối cùng thành phố Guayaquil là nơi thành công nhất ở Ecuador trong việc ngăn chặn Covid-19! Họ tìm coi các bệnh nhân ở khu nào, ai có thể bị lây. Đưa nhân viên y tế đến tìm những người có thể bị bệnh để thử nghiệm và chữa trị. Dần dần số người mắc bệnh giảm và số người chết cũng giảm.
Bà Viteri đã nghe những khuyến cáo của giới y sĩ và thi hành đến nơi đến chốn. Những người dân Guayaquil khi lên xe buýt không đeo mạng bị phạt tới $60 đô la. Các tài xế không bắt hành khách đeo mạng cũng bị phạt $200 đô la. Lợi tức bình quân dân Ecuador chỉ dưới $1,000 một tháng.
Coi lại câu chuyện ở Guayaquil thì thấy những hành động cần phải làm thực ra rất giản dị; không cần các bộ óc siêu việt mới nghĩ ra. Điều cần thiết là mọi người ý thức mối nguy hiểm, quyết tâm ngăn chặn Xa Cô Vi, phối hợp các hoạt động, từ chính quyền đến tư nhân.
Hy vọng công cuộc chống Covid ở nước Mỹ đang bước vào một khúc quanh. Mọi người gạt bỏ những xung đột, đồng ý với nhau cùng lo chống bệnh một cách có hiệu quả hơn.