Thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã gửi một thông điệp tiêu cực đến Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra trong tuần này tại Morocco. Mục đích của hội nghị này là đề ra những chi tiết cụ thể cho Hiệp định Khí hậu Paris, một thoả thuận có tính bước ngoặt đạt được hồi năm ngoái, nhưng ông Trump đã tuyên bố sẽ xé bỏ thoả thuận này, để mở lại những mỏ than và xúc tiến các dự án khai thác khí đốt và đá phiến có dầu.
Giáo sư Samuel Fankhauser thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Grantham nhận định:
“Một trong những nguyên do các nỗ lực của chúng ta đã lấy đà như đang thấy hiện nay, tại sao chúng ta đạt được hiệp định Paris và nhanh chóng phê chuẩn hiệp định này là nhờ vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.”
Hiệp định Paris tìm cách hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên quá 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, phần lớn thông qua các biện pháp nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp định này trong vòng 100 ngày từ khi lên nhậm chức, và xoay sang tập trung vào nỗ lực giúp Hoa Kỳ tự túc về năng lượng.
Tổng thống tân cử Donald Trump đã tuyên bố:
“Chúng ta sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc, nhất định là như thế. Chúng ta sẽ mở lại các quặng mỏ.”
Việc Washington hoàn toàn lật ngược lập trường của mình có nguy cơ phương hại tới các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giáo sư Samuel Fankhauser, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Grantham nói:
“Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo trong nỗ lực sẽ tạo ra một khoảng trống. Tin vui là, giả như có tin vui, một khi hiệp định Paris có hiệu lực, và khi Hoa Kỳ là một thành viên ký hiệp định, thì rút ra khỏi hiệp định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, là so với khi Hoa Kỳ chưa tham gia hiệp định.”
Các đại biểu tham gia hội nghị LHQ về khí hậu ở Morocco lo sợ rằng những tiến bộ đã đạt được sẽ tan thành mây khói.
Nhà lập pháp Weram Mannasseh Chlanga, thành viên quốc hội Malawi nói:
“Nếu ông Trump rút ra khỏi hiệp định Paris, thì điều này có nghĩa là chúng ta đi thụt lùi, và sự thể này sẽ không tốt cho thế giới.”
Bà Catherine Bowes, thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, nói:
“Tôi phải tin rằng các lập luận ủng hộ năng lượng gió từ đại dương vững chắc tới mức chúng sẽ không bị tác động bởi bất kỳ một chính phủ mới nào.”
Các nhà quan sát nói rằng phải chờ thêm vài tháng nữa mới biết tác động toàn diện của thắng lợi bầu cử của ông Trump đối với chính sách về biến đổi khí hậu, và sự thể này sẽ gây ra nhiều bất định cho tương lai của hiệp định Paris.