Không có mấy hy vọng về một bước đột phá ngoại giao sẽ đạt được trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư 3/5.
Tổng thống Trump tuần trước nói rằng ông “không thấy có lý do” tại sao không thể có hòa bình giữa Israel và Palestine. “Không có bất cứ lý do gì,” Tổng thống Trump nói. Và ông Abbas mới đây tuyên bố rằng một hòa ước “lịch sử” để chấm dứt cuộc xung đột mấy chục năm qua có thể đạt được dưới sự lãnh đạo của ông Trump.
Ông Abbas, lãnh đạo Chính quyền Palestine đặt ở Bờ Tây, mang theo những mục tiêu khiêm nhường trong chuyến thăm Washington lần này. Theo các giới chức Palestine, một trong những mục tiêu chính của ông chỉ đơn giản là lắng nghe kế hoạch khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông của ông Trump.
Các nhà phân tích nói rằng ông Abbas cũng hy vọng sẽ tận dụng cuộc gặp gỡ này để khôi phục vị thế của ông đã bị xuống thấp ở cả trong nước lẫn ở nước ngoài.
Ông Dennis Ross, cựu giới chức chuyên trách hòa đàm Trung Ðông qua ba chính quyền của Mỹ, nhận định:
“Điều mà ông Abbas mưu tìm trong chuyến thăm này đó là cố nêu bật tầm quan trọng của ông, đó là ông giữ một vai trò chính trong tiến trình này và rất khó có thể làm được chuyện gì mà không có ông."
Ông Abbas ngày càng yếu thế
Ông Abbas ngày càng mất đi sự ủng hộ của công chúng Palestine. Ông năm nay 82 tuổi và đã lãnh đạo chính quyền Palestine 12 năm trong nhiệm kỳ tổng thống được quy định là 5 năm. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy hai phần ba người Palestine muốn ông thôi chức. Họ không hài lòng với những kết quả của Chính quyền Palestine mà họ xem là tham nhũng. Phái chính trị Fatah của ông đáng đối diện với một thách thức lớn từ phe Hamas, nhóm Palestine đối thủ chính đang kiểm soát Dải Gaza.
Ông Ross nói: “Tình hình đó khiến ông càng khó đưa ra những quyết định lớn.”
Ông Abbas còn đứng trước rủi ro có thể bị gạt ra bên lề trong nỗ lực của chính quyền ông Trump khôi phục lại tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Thay vì mưu tìm đối thoại trực tiếp giữa hai bên, chính quyền ông Trump đề xuất dùng các nước Ả Rập điều giải cho một thỏa thuận hòa bình lớn hơn.
Phương án này có thể dựa một phần vào Sáng kiến Hòa bình Ả Rập năm 2002, theo đó kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine trên các lãnh thổ mà Israel chiếm đóng để đổi lại bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập.
Chiến lược không rõ ràng
Ông William Quandt, một cựu thương thuyết gia hòa bình Trung Ðông của Mỹ, nhận định rằng mức độ ảnh hưởng của ông Abbas đối với tiến trình hòa đàm khu vực không được rõ, nhưng nếu Tổng thống Trump dự định để các nhà lãnh đạo Ả Rập tăng áp lực đòi ông Abbas phải nhượng bộ là thiểu khả thi.
Ông Quandt: "Ông ấy sẽ phản ứng như thế nào nếu bị mọi người áp lực? Ông sẽ nói rằng ‘chúng tôi không chấp nhận.’ Đó là tất cả những gì ông Abbas có thể làm. Ông ấy có thẩm quyền chính thức để nói không.”
Chiều hướng của tiến trình hòa đàm Trung Ðông chỉ trở nên rối rắm hơn với những tuyên bố trái ngược nhau của ông Trump về vấn đề Israel-Palestine.
Hồi tháng 2, ông Trump dường như đã mở lại một chính sách lâu đời của Mỹ khi ông tuyên bố trong một cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng ông mở ngỏ cho các khả năng về giải pháp hai nhà nước.
Mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ sau đó trấn an các giới chức Palestine rằng Mỹ tiếp tục cam kết với ý tưởng một nhà nước Palestine, nhiều người Palestine vẫn hỏi liệu ông Trump sẽ là một nhà điều giải thiên vị hay không.
Đồng quan điểm
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump hứa rằng sẽ “không có bất đồng” giữa chính quyền của ông và Israel. Kề từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã chọn các cố vấn bao quanh mình là những người có quan hệ sâu rộng với phong trào định cư Israel.
Bà Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị ở Ramallah và là cựu phát ngôn viên của Tổ chức Giải phóng Palestinem nói rằng hiện có rất nhiều nghi ngờ về vai trò của của ông Jared Kushner, con rể và hiện là cố vấn của ông Trump, người được giao cho vai trò chính của chính phủ Mỹ trong tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông.
Bà Buttu đề cập đến các khoản cho tặng của quỹ phát triển thuộc gia đình Kushner cho các chương trình định cư ở Bờ Tây.
Bà Buttu: “Ông Jared Kushner có phải là người thích hợp cho tiến trình hòa đàm này hay không? Tất nhiên là không. Ông Kushner là người có những quan hệ mật thiết với chính phong trào đuổi người Palestine ra khỏi quê hương xứ sở của họ.”
Bà Buttu cũng đả kích cách tiếp cận trông giống kiểu kinh doanh của ông Trump đối với cuộc xung đột này: “Chỉ gặp nhau, bắt tay một cái rồi gọi là xong việc, theo kiểu ký một hợp đồng làm ăn. Nếu không đi vào chi tiết của những vấn đề không phơi bày ra, thì sẽ không bao giờ giải quyết được chuyện gì.”
Giới lãnh đạo Israel cũng trông chờ thêm những chi tiết mới từ ông Trump, kể cả việc liệu ông có xúc tiến hứa hẹn sẽ dời Ðại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem, một động thái tăng sự đồng ý ngầm với tuyên bố chủ quyền của Israel đối với toàn bộ thành phố Jerusalem.
Một giới chức Mỹ nói cuộc họp ngày thứ Tư cũng sẽ bàn đến đề nghị chính quyền của ông Abbas ngưng trả lương hàng tháng cho cho các gia đình của các dân quân nổi dậy đang bị giam tù hoặc bị Israel hạ sát. Vấn đề này được nêu lên ở các cuộc họp cấp thấp hơn, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đầu tuần này đã đặt câu hỏi liệu có bất cứ tiềm năng nào cho tiến trình hòa bình trong khi Palestine “tài trợ cho bọn sát nhân.”