Tổng thống tân cử Donald Trump nói ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ chính thức loan báo quyết định rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một bước trong một loạt hành động dựa trên mục tiêu của ông là “sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết.”
Trong một thông điệp ghi lại qua video tải lên YouTube hôm qua, ông Trump miêu tả TPP là ‘một thảm hoạ tiềm tàng’ đối với Hoa Kỳ.
Ông nói thay cho hiệp định TPP, Mỹ sẽ thương thuyết lại các thoả thuận thương mại song phương mà ông nói sẽ công bằng hơn, để mang về nước việc làm và các công nghiệp đã mất.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump chống đối hiệp định TPP bao gồm 12 nước Á Châu-Thái Bình Dương. Ông tỏ ra tự tin rằng với khả năng thương lượng của ông, ông sẽ có thể đạt các thoả thuận song phương có lợi hơn cho Hoa Kỳ.
Bộ trưởng của các nước tham gia đã ký kết hiệp định TPP vào tháng Hai năm 2016, nói rằng mục tiêu chung của các nước này là “củng cố nền thịnh vượng chung, tạo công ăn việc làm, và cổ vũ cho phát triển kinh tế bền vững cho tất cả.”
Tổng thống Obama ủng hộ TPP, nhưng Quốc hội Mỹ chưa chuẩn thuận để Mỹ có thể chính thức tham gia hiệp định này.
Không có Hoa Kỳ, TPP không thể có hiệu lực vì 1 điều khoản theo đó hiệp định thương mại này phải được chấp thuận bởi tất cả 12 nước ký kết, hoặc ít nhất 6 nước với điều kiện GDP của 6 nước này chiếm 85% tổng GDP của cả 12 nước. GDP của Mỹ không mà thôi đã chiếm 60% tổng GDP của toàn khối, cho nên khó có thể đạt được 85% nếu Mỹ không tham gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua nói rằng hiệp định TPP sẽ vô nghĩa nếu không có nước Mỹ.
Thủ tướng New Zealand John Key tỏ ra thất vọng về lập trường của Tổng thống tân cử Mỹ, nhưng ông nói 11 nước còn lại có thể đạt một thoả thuận thương mại riêng, không có Hoa Kỳ.
Ông Key phát biểu:
“Ông Trump vận động chống TPP, nhưng Hoa Kỳ không phải là một ốc đảo. Nước Mỹ không thể ngồi yên ở đó mà tuyên bố sẽ không giao thương với phần còn lại của thế giới.”
Chính quyền Tổng thống Obama cổ vũ cho TPP, nói rằng hiệp định này sẽ có lợi cho giới lao động ở Mỹ lẫn ở 11 nước tham gia bởi vì tất cả các thành viên phải tôn trọng những tiêu chuẩn về lương bổng, điều kiện làm việc và thi hành luật chống khai thác sức lao động của trẻ em. Các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là giới tiểu thương có thể tăng xuất khẩu nhờ việc loại bỏ thuế quan, hơn nữa TPP sẽ đặt ra những tiêu chuẩn tốt hơn về tính minh bạch, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường.
Ngoài TPP, trong những lời hứa hẹn mà Tổng thống tân cử Trump lặp lại hôm thứ Hai về những gì ông sẽ làm một khi lên nhậm chức trong hai tháng nữa, không thấy ông Trump nhắc đến cam kết sẽ xây một bức tường tại biên giới với Mexico, điều mà ông nhiều lần tuyên bố là ưu tiên hàng đầu của chính phủ do ông lãnh đạo.
Ông Trump cho biết sẽ chỉ thị Bộ Lao động điều tra “những vụ chương trình cấp visa vị lợi dụng, gây phương hại cho công nhân Mỹ”, và sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng đề ra một kế hoạch để bảo vệ sự an toàn của cấu trúc hạ tầng thiết yếu của nước Mỹ chống các vụ tấn công mạng và mọi hình thức tấn công khác.
Ông Trump muốn hủy bỏ các quy định đối với công nghiệp năng lượng của Mỹ, kể cả việc khai thác dầu đá phiến và than sạch, là hai ngành mà ông Trump tin sẽ tạo ra “nhiều triệu công việc lương cao.”
Về kế hoạch cải cách chính phủ, ông Trump muốn giảm thiểu các quy định, ông nói rằng nếu muốn áp dụng một quy định mới, thì phải loại bỏ hai quy định có sẵn.
Ông Trump còn cho biết là tiến trình chuyển tiếp đang được xúc tiến suôn sẻ và có hiệu quả. Ông tiếp tục gặp gỡ nhiều nhân vật đang được cứu xét để giao nhiệm vụ trong chính quyền mới.
Trong số những người đến New York gặp ông Trump hôm qua, có cựu Thống đốc Texas Rick Perry, và Dân biểu Đảng Dân chủ Tulsi Gabbard, đại diện bang Hawaii. Bà Gabbard ủng hộ ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Dân chủ, nhưng bà ủng hộ ông Trump khi ông chống việc tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.
Ông Trump dự định sẽ rời New York trong ngày hôm nay, thứ Ba 22/11 hoặc ngày mai, để ăn mừng Lễ Tạ Ơn tại địa điểm du lịch do ông sở hữu ở Florida.