Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác “thi hành luật pháp và an ninh” với nước láng giềng Kazakhstan và giúp chống lại sự can thiệp của “những lực lượng nước ngoài,” Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố ngày 10/1 sau các cuộc biểu tình bạo động tại quốc gia Trung Á này.
Ông Vương Nghị, cũng là một ủy viên quốc vụ viện, phát biểu trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Kazakhstan, Mukhtar Tileuberdi, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Xáo trộn gần đây tại Kazakhstan cho thấy tình hình tại Trung Á còn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, và lại một lần nữa chứng tỏ các thế lực nước ngoài không muốn hòa bình và yên tĩnh trong khu vực của chúng ta,” Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Vương nói với ông Tileuberdi.
Tuần trước, các tòa nhà chính phủ tại Kazakhstan bị chiếm đóng và đốt cháy trong một thời gian ngắn tại một vài thành phố trong lúc các cuộc biểu tình ôn hòa chống giá xăng dầu gia tăng biến thành bạo động. Binh sĩ được lệnh ‘bắn bỏ’ để đàn áp cuộc nổi dậy trên toàn quốc.
Nhà cầm quyền quy trách nhiệm lên “các phần tử cực đoan,” bao gồm các các phần tử hiếu chiến Hồi giáo do nước ngoài huấn luyện.
Nhà chức trách cũng yêu cầu khối quân sự do Nga lãnh đạo gởi binh sĩ giúp đỡ. Chính phủ Kazakhstan nói các binh sĩ này đã được triển khai để bảo vệ những vị trí chiến lược, một động thái bị Mỹ nghi ngờ.
Các chuyên gia nói Trung Quốc lo ngại tình trạng bất ổn tại nước láng giềng có thể đe dọa việc nhập khẩu năng lượng và dự án Vành đai-Con đường tại đây cũng như an ninh tại vùng Tân Cương phía Tây Trung Quốc. Tân Cương chia sẻ 1.770 km đường biên giới với Kazakhstan.
Trung Quốc sẵn sàng “cùng chống lại sự can thiệp và xâm nhập của bất cứ lực lượng bên ngoài nào,” ông Vương nói.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ngày 7/1 nói với Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, rằng Trung Quốc kiên quyết chống lại bất cứ lực lượng nước ngoài nào làm mất ổn định Kazakhstan và dàn dựng “cuộc cách mạng màu,” truyền hình nhà nước Trung Quốc loan tin.
Trung Quốc và Nga tin “những cuộc cách mạng màu” là những cuộc nổi dậy do Mỹ và các cường quốc phương Tây xúi giục để thay đổi chế độ.
“Trung Quốc không muốn thấy ảnh hưởng của Mỹ bành trướng tại Kazakhstan và Trung Á từ xáo trộn này,” ông Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.
“Nếu một cuộc cách mạng màu tại một nước lân cận dẫn đến việc dân chủ hóa chính trị, thì có thể khuyến khích những thành phần trí thức nghiêng về tự do của Trung Quốc làm những điều tương tự,” ông nói.
Kể từ cuộc Chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960, Trung Quốc thường không gởi binh sĩ đến các nước khác, viện dẫn chính sách không can thiệp, ngoại trừ dưới bích chương của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hiệp quốc.
Tầm quan trọng của Kazakhstan
Kazakhstan, nằm giữa Nga và Trung Quốc, có đường biên giới với ba nước cộng hoà thời Xô Viết. Kazakhstan là nền kinh tế lớn nhất Trung Á, với trữ lượng dầu khí và kim loại dồi dào. Nước này thu hút hàng trăm tỉ đô la đầu tư nước ngoài kể từ khi độc lập vào năm 1991.
Về mặt chiến lược, Kazakhstan nối liền các thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh của Trung Quốc và Nam Á với thị trường Nga và châu Âu bằng đường bộ, đường ray, và một cảng tại Biển Caspi. Kazakhstan tự xem mình là đầu mối trong dự án thương mại khổng lồ Vành đai-Con đường của Trung Quốc.
Nhân quyền và Tự do
Các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền từ lâu chỉ trích Kazakhstan về hệ thống chính trị chuyên chế của nước này, không dung chấp bất đồng chính kiến, ngăn chặn tự do truyền thông và thiếu những cuộc bầu cử tự do và công bằng, dù nước này được xem là ít áp chế và ít dao động hơn những nước láng giềng cựu Xô Viết.