Đường dẫn truy cập

Người Trung Quốc liệu đã sẵn sàng cho Cách mạng?


French students hold up their hands painted with "No" during a protest in Paris, Thursday Oct. 21, 2010. Protesters blockaded Marseille's airport, Lady Gaga canceled concerts in Paris and rioting youths attacked police in Lyon on ahead of a tense Senate v
French students hold up their hands painted with "No" during a protest in Paris, Thursday Oct. 21, 2010. Protesters blockaded Marseille's airport, Lady Gaga canceled concerts in Paris and rioting youths attacked police in Lyon on ahead of a tense Senate v

Trang Global Public Square – trang liên kết giữa CNN và Time vừa đăng bài “Người Trung Quốc liệu đã sẵn sàng cho Cách mạng chưa?”. Bài này dẫn tới một nghiên cứu thống kê của Pew Research Center – một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Washington D.C.

Theo James Bell, giám đốc mảng Nghiên cứu Điều tra Quốc tế, thuộc dự án Pew Global Attitudes Project (một trong 7 dự án mà Pew hiện đang theo đuổi), thì các số liệu thống kê mà Trung tâm này thu thập được cho thấy người Trung Quốc còn đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và không thấy cần phải có một cuộc đổi thay về chế độ.

Khác với thế giới A-rập, nơi việc thống kê các quan điểm chính trị và dân chủ của công chúng được thực hiện một cách tự do thì ở Trung Quốc việc này không thể thực hiện được vì chính phủ không cho phép. Do đó, Pew không có được các dẫn chiếu về việc liệu người Trung Quốc có muốn thay đổi chế độ vì họ yêu các giá trị dân chủ hay không. Tuy nhiên, Pew có được một thước đo gián tiếp. Đó là việc Pew đã được phép thực hiện, và đã làm, nhiều cuộc điều tra về sự thỏa mãn cá nhân và kinh tế của người Trung Quốc. Vì thế, Pew có thể so sánh các kết quả này ở Trung Quốc với các kết quả trong các cuộc điều tra tương tự ở các nước A-rập. Kết quả là, theo cách nói của James Bell, điều kiện ở Trung Quốc chưa chín muồi.

Người Trung Quốc rất hài lòng với hướng đi của dân tộc

Theo James Bell, trong cuộc điều tra vào mùa xuân năm 2010 bởi Pew Global Attitudes Project, có tới 87% người Trung Quốc cho biết họ hài lòng với hướng đi của đất nước mình, tiếp theo là Brazil (50%), Ba Lan (47%), Ấn Độ (45%), và Indonesia (41%). Con số này ở Mỹ là 30% và ở Ai Cập là 28%.

Cả ở Ai Cập và Trung Quốc, sự hài lòng của công chúng gắn rất chặt với điều kiện kinh tế. Có tới 91% người Trung Quốc cho rằng tình hình kinh tế của đất nước đang rất tốt. Tỷ lệ này cao hơn các năm trước - 88% vào năm 2009, 82% vào năm 2008, và 87% vào năm 2007%. Trong khi đó, chỉ có 20% người Ai Cập cho rằng nền kinh tế của đất nước họ đang tốt vào đầu 2010, giảm đi rất nhiều từ mức 53% năm 2007, 44% năm 2008, và 27% năm 2009.

Người Trung Quốc cũng lạc quan về tương lai của nền kinh tế. Có tới 87% người trả lời vào mùa xuân 2010 cho rằng kinh tế sẽ có tiến triển tốt đẹp hơn trong 12 tháng tới. Tinh thần lạc quan này cũng được tìm thấy trong các cuộc điều tra trước đây. Trái lại, Ai Cập chỉ có 25% số người trả lời cho rằng nền kinh tế sẽ tốt lên, so với 35% số người cho rằng sẽ không có gì thay đổi và 38% cho rằng tình hình sẽ tồi tệ thêm.

Người Trung Quốc cảm nhận có nhiều tiến bộ


Cũng trong cuộc điều tra vào mùa xuân năm 2010, Pew yêu cầu những người tham gia tự đánh giá chất lượng cuộc sống của họ, với số không là điểm số tồi tệ nhất và số mười chỉ định cuộc sống tươi đẹp nhất. Những người tham gia cũng được hỏi về con số này 5 năm trước đây, và 5 năm sau này.

Người Trung Quốc liệu đã sẵn sàng cho Cách mạng?
Người Trung Quốc liệu đã sẵn sàng cho Cách mạng?


Nói chung, người Trung Quốc và Ai Cập đánh giá cuộc sống của mình tồi tệ hơn so với kết quả thu được ở Mỹ và Châu Âu. Chỉ có 31% số người Trung Quốc và 10% số người Ai Cập đánh giá cuộc sống của họ tốt (điểm số từ 7 tới 10) trong khi Mỹ có 64% và Châu Âu có 53%. Tuy nhiên, so sánh giữa Ai Cập và Trung Quốc thì Trung Quốc có số người hài lòng với cuộc sống cao hơn nhiều, và có số người cảm nhận cuộc sống tồi tệ ít hơn nhiều (5% so với 28%).

Ở Ai Cập chỉ có 18% cho rằng cuộc sống của mình khấm khá hơn, 33% không thay đổi, và có tới 49% cho rằng ngày càng tồi tệ hơn. Điểm đặc biệt hơn là nếu so sánh giữa hai cuộc điều tra năm 2007 và 2010 thì có thể thấy số người cảm nhận đời sống của mình ngày một tồi tệ hơn đã tăng gấp đôi, và tới năm 2010 thì đã bao gồm đến một nửa dân số Ai Cập. James Bell cho rằng điều này gợi ý rằng cuộc cách mạng cuối năm 2010 không chỉ bắt nguồn từ cảm hứng dân chủ mà còn từ sự thất vọng về đời sống cá nhân.

Ngược lại, đa số người Trung Quốc đánh giá cuộc sống của mình có tiến bộ trong vòng 5 năm qua với 66% cho rằng đã có tiến bộ, 15% cho rằng không thay đổi và 20% cho rằng đã kém đi. Bức tranh này thậm chí còn tốt hơn cả các kết quả được tìm thấy ở Mỹ và Châu Âu.

Người Trung Quốc cũng lạc quan hơn tất cả các nhóm khác về tương lai 5 năm tới của cá nhân họ. Có tới 74% cho rằng họ sẽ khấm khá hơn, so với 23% ở Ai Cập, 40% ở Châu Âu, và 52% ở Mỹ. Chỉ có 6% ở Trung Quốc cho rằng mình sẽ tồi tệ hơn trong 5 năm tới, so với 40% ở Ai Cập.

Tâm trạng lạc quan ở Trung Quốc

Trong suốt các cuộc điều tra của Pew từ 2002 trở lại đây, người Trung Quốc luôn duy trì được tâm trạng lạc quan về đất nước và về cuộc sống cá nhân của mình. Không thể phủ nhận được rằng nếu tâm trạng lạc quan này không được chứng thực bằng hiện tại thì sẽ dẫn tới tâm lý ức chế và áp lực chính trị lên nhà nước – điều mà Trung Quốc đã tránh được trong suốt thời gian qua nhờ tăng trưởng cao và bền vững.

Theo James Bell, nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng như những năm vừa rồi, và người dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hài lòng với tiến bộ cuộc sống cá nhân của mình, thì họ sẽ không có nhiều động cơ để theo đuổi một cuộc cách mạng theo kiểu Hoa Nhài, mặc dầu có thể họ vẫn không mấy hài lòng với nhiều vấn đề khác như nạn tham nhũng hay sự khả tín của chính quyền.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG