Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đả kích cuộc tập trận Mỹ-Philippines ở Biển Đông


Con số các binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung ngoài khơi tỉnh Palawan của Philippines cao gấp đôi so với năm ngoái.
Con số các binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung ngoài khơi tỉnh Palawan của Philippines cao gấp đôi so với năm ngoái.

Cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc hôm qua mạnh mẽ đả kích các cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines, nói rằng các cuộc diễn tập mở rộng giữa Philippines và các đồng minh của nước này ở Biển Đông là không thích hợp, đi ngược lại các nỗ lực nhằm giảm thiểu căng thẳng trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này.

Theo hãng tin Bloomberg, lời chỉ trích đó đã được đưa ra trong một bài xã luận hôm thứ Ba của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành, trong bối cảnh hơn 11.000 binh sĩ Philippines, Mỹ và Úc đang chuẩn bị tham gia các cuộc diễn tập chung gần các đảo đang trong vòng tranh chấp, và giữa lúc một viên tư lệnh quân đội Philippines mô tả các hoạt động cải tạo đất xây đảo của Trung Quốc là “đáng lo ngại”, và là một nguồn gây xích mích với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Năm nay, con số các binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung của các đồng minh của Mỹ, diễn ra ngoài khơi tỉnh Palawan của Philippines, cao gấp đôi so với năm ngoái.

Trong khi Tổng Thống Philippines Benigno Aquino khẳng định rằng các cuộc diễn tập không nhắm vào Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói “không mấy ai tin vào sự thành thực của ông Aquino”. Bài xã luận châm biếm Philippines là theo đuôi của Mỹ. Bài báo viết: “Có ai tin được rằng Trung Quốc sẽ bị lừa để đưa ra những sự nhượng bộ trong khi những kẻ khác phô diễn sức mạnh quân sự của mình? Chúng tôi cho thật là đáng nực cười khi tưởng tượng các binh sĩ Philippines ngã lên ngã xuống chạy theo các lực lượng Mỹ.” Bài báo kết luận rằng “Tiếng súng của Washington và Manila tại vùng biển đó không thích hợp và vô dụng”.

Những lời lẽ có tính cách khiêu khích đó được đưa ra giữa lúc Việt Nam và Philippines công khai bày tỏ lo ngại về những hoạt động ráo riết để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông, cả tại quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa, hai quần đảo Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Mới đây, Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Harry Harris miêu tả các hoạt động xây cất của Trung Quốc trong Biển Đông là "Vạn lý Trường Thành bằng Cát".

Trong một bài diễn văn tại Jakarata hôm qua, ông nói – chúng tôi xin trích: "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng leo thang và các hành động khiêu khích trong Biển Đông".

Đô Đốc Harris nói mặc dù ông không tin là đang có nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trong các vùng biển tranh chấp tại đây, ông "phải chuẩn bị cho tình huống này". Ông nói thêm rằng ông rất lo ngại về những hành động nhỏ có tính cách chiến thuật, nhưng sẽ có những hậu quả chiến lược trên khắp khu vực’.

Trước tình huống đó, Hà Nội và Manila đã tìm cách hợp tác với nhau. Cách đây hai ngày, các giới chức Philippines tiết lộ rằng chính Hà Nội đã khởi xướng đề nghị thành lập một hiệp định đối tác chiến lược Việt-Phi và còn đề nghị mở một cuộc họp song phương trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-Đài VOA, một nhà nghiên cứu cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), cho biết ý kiến về sự hợp tác giữa hai nước, đều là hội viên của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trước mối đe doạ do chính sách bành trướng của Trung Quốc. Bà Phương Nguyễn nói:

"Tôi tin rằng từ năm 2010 trở về sau, chúng ta đã chứng kiến việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Philippines trong lĩnh vực hàng hải. Các chiến hạm hai nước đã qua lại thăm viếng lẫn nhau. Cho nên một hiệp định đối tác chiến lược, khi nào được ký kết, chủ yếu sẽ có tính cách quân sự. Tôi dự kiến sẽ có tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng hải quân, đồng thời với việc chia sẻ thông tin tình báo giữa đôi bên.

Tôi tin rằng đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines phải được nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn là trong giới hạn của mối quan hệ song phương, bởi vì Philippines không có một lực lượng vũ trang trang bị đầy đủ cho lắm, nhưng nếu chúng ta nhìn qua bối cảnh quan hệ song phương, Việt Nam thời gian qua đã tìm cách củng cố các quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại Châu Á, đặc biệt là với Nhật Bản và mới đây với Philippines. Thế cho nên tôi cho rằng việc Việt Nam muốn thiết lập một đối tác chiến lược với Philippines tương hợp với nguyện vọng của Hà nội muốn có những quan hệ chặt chẽ với các nước có khả năng mang lại lợi ích cho Việt Nam, cho dù là lợi ích quân sự hay kinh tế.

Trong trường hợp Philippines, tôi nghĩ rằng Việt Nam hiểu tầm quan trọng của việc liên kết với một nước có lập trường cứng rắn chống lại những hành động lấn biển lấy đất của Trung Quốc, do đó chúng ta phải nhìn đối tác chiến lược với Philippines trong bối cảnh rộng lớn hơn. Thành thực mà nói, cả Nhật Bản lẫn Philippines đều là đồng minh của Mỹ, nhưng hợp tác quân sự với Nhật Bản, sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam so với hợp tác quân sự với Philippines.”

Mùa hè năm ngoái, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã sang thăm Philippines, và tại đây ông đã đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc là gây bất ổn và đe doạ hoà bình trong khu vực.

VOA Express

XS
SM
MD
LG