Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu lên quan điểm của Hà Nội trước việc Trung Quốc điều gần 300 chiếc tàu tới Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trả lời phóng viên báo Zing, bà Lê Thị Thu Hằng nói các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển quốc tế 1982.”
Bà nói Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại Đá Ba Đầu.
Hôm thứ Tư 12/5, Manila cho biết các cuộc tuần tra do họ thực hiện đã phát hiện 287 chiếc tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong và xung quanh vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hermongenes Esperon Jr. cho biết một báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã được đệ trình cho các cơ quan liên hệ để có hành động ngoại giao tiếp theo.
Hồi tháng 3 năm nay, Trung Quốc cũng đưa khoảng 200 tàu vào khu vực này khiến Manila liên tục gửi công hàm ngoại giao phản đối, nhưng Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu của Manila đòi họ rút tàu về, mà dường như còn chế nhạo Philippines, trang mạng Globalnation.inquirer cho biết.
Đài CNN hôm 13/5 dẫn lời các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thành lập một ‘lực lượng hải quân’ gồm hàng trăm tàu với hàng ngàn dân quân nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Trung Quốc không thừa nhận sự hiện diện của “lực lượng hải quân” này khi được chất vấn, nhưng các chuyên gia nói lực lượng dân quân biển là một phần không tách rời của các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông và xa hơn nữa.
CNN dẫn lời các chuyên gia nói rằng lực lượng dân quân biển là do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ và kiểm soát, lực lượng này có thẻ tập trung tức thời xung quanh các bãi cạn, đảo, đá đang trong vòng tranh chấp. Sự hiện diện của hàng trăm tàu gọi là ‘tàu cá’ đó trên thực tế là một lực lượng hùng hậu khó thách thức, mà lại không gây xung đột quân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, trong phạm vi của đường chữ U, dứt khúc 9 đoạn do chính họ vạch ra, rồi thành lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo nhân tạo do họ xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Động thái mới nhất của Trung Quốc, đưa tàu dân quân biển ồ ạt tới đá Ba Đầu cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền Biển Đông.