Đường dẫn truy cập

Trung Quốc dùng du lịch như công cụ chính sách kinh tế, đối ngoại


Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) phát biểu tại Hội nghị Phát triển Du lịch Thế giới lần thứ nhất tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 19 tháng 5 năm 2016.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) phát biểu tại Hội nghị Phát triển Du lịch Thế giới lần thứ nhất tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 19 tháng 5 năm 2016.

Trung Quốc đang sử dụng du lịch như một đòn bẩy quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc cũng như tăng cường ảnh hưởng của mình trong những vấn đề quốc tế. Điều này hiện rõ tại Hội nghị Thế giới về Du lịch lần thứ nhất, khi một quan chức cao cấp của Trung Quốc tiết lộ chiến lược của chính phủ nước này sử dụng du lịch theo nhiều cách khác nhau.

Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Lý Kim Tảo, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia của Trung Quốc, nói với những đại biểu tại hội nghị rằng "Trung Quốc dự định đưa 150 triệu du khách tới Một Vành đai, Một Con đường trong năm năm tiếp theo." Những du khách này sẽ chi 200 tỉ đôla trong giai đoạn này, theo lời ông Lý, trong một hành động nhằm nâng cao kỳ vọng ở những nước dọc theo Con đường Tơ lụa.

Ông nói tổng chi tiêu của Trung Quốc dành cho du lịch sẽ tăng ba lần so với mức hiện tại lên tới 460 tỉ đôla đến trước năm 2020, nói thêm rằng du lịch đã đóng góp 10,8 phần trăm vào Tổng Sản phẩm Quốc nội của nước này vào năm ngoái.

Những nhà phân tích nhận thấy con số về sự đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế Trung Quốc có phần cường điệu, nhưng không thể phủ nhận sự nhiệt tình của chính phủ mở rộng vai trò của ngành này. Điều này hiện rõ vào tuần trước khi Quốc Vụ Viện quyết định mở không phận tầm thấp cho du lịch cao cấp và những ngành công nghiệp khác.

Scott Kennedy, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc Freeman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói: "Tôi nghĩ rằng thống kê đó rất đáng ngờ. Bạn phải thổi phồng quá mức mới có được tính toán đó bằng cách thêm thắt những thứ không đáng có trong con số đó."

Một bản đồ minh họa con đường tơ lụa vành đai kinh tế của Trung Quốc, hay còn gọi là siêu dự án ‘Một vành đai, Một con đường’, được trưng bày tại Diễn đàn Tài chính Á châu ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 18 tháng 1 năm 2016.
Một bản đồ minh họa con đường tơ lụa vành đai kinh tế của Trung Quốc, hay còn gọi là siêu dự án ‘Một vành đai, Một con đường’, được trưng bày tại Diễn đàn Tài chính Á châu ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 18 tháng 1 năm 2016.

Lợi thế quyền lực mềm

Trung Quốc có lý do để cảm thấy họ có thể sử dụng du lịch ra nước ngoài như một loại quyền lực mềm để gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Những chính phủ khắp thế giới đang điều chỉnh visa và những quy định khác để chào đón làn sóng du khách Trung Quốc ngày càng đông. Ngay cả Nhật Bản, đối thủ chính trị hùng mạnh của Trung Quốc, gần đây loan báo sẽ cung cấp visa 10 năm cho doanh nhân và nghệ sĩ Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc đang thay đổi ý thích của mình do những sự nhạy cảm chính trị hoặc do nhu cầu lớn mua sắm hàng hóa xa xỉ. Hong Kong, nơi mà du khách đại lục luôn ưa thích, đang bị phớt lờ vì liên tục có những cuộc biểu tình chống chính phủ Trung Quốc. Nạn nhân mới nhất là Đài Loan, nơi mà chính phủ mới được coi là kém thân thiện với Bắc Kinh so với chính phủ trước đó.

Giáo sư Marketing của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu, Michel Gutsatz, nói: "Hàn Quốc và Thái Lan đã vượt qua Hong Kong trở thành điểm đến được ưa chuộng nhất; châu Âu đánh bại Bắc Mỹ trở thành điểm đến ưa chuộng nhất bên ngoài châu Á."

Ông nói xu hướng mới được thúc đẩy bởi những người trẻ tuổi chi tiêu nhiều hơn và đi du lịch một cách độc lập hơn thay vì lối du lịch theo nhóm như truyền thống.

Một báo cáo của HSBC cho biết chi tiêu du lịch của người Trung Quốc đã nâng những nền kinh tế của một số nước châu Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, ngoài việc làm lợi cho Mỹ và một số nước Châu Âu.

Ngân hàng cho biết họ dự kiến số khách Trung Quốc du lịch ở nước ngoài sẽ đạt mức 242 triệu người vào năm 2024, bằng tổng số du khách đến thăm các nước Đức, Iran, Indonesia và Ai Cập cộng lại trong một năm. Du khách Trung Quốc chiếm hơn 15 phần trăm tất cả những lượt khách đến Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản.

Thực tế là một số quốc gia, bao gồm cả Nepal và Sri Lanka, được biết là đã điều chỉnh mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên lượt khách du lịch, đóng vai trò hệ trọng đối với những nền kinh tế địa phương của họ.

Những du khách Trung Quốc đại lục mang theo vali khi đi bộ tại một khu mua sắm ở Hong Kong, ngày 12 tháng 4 năm 2015.
Những du khách Trung Quốc đại lục mang theo vali khi đi bộ tại một khu mua sắm ở Hong Kong, ngày 12 tháng 4 năm 2015.

Du hành công tác

Hiệp hội Du hành Công tác Toàn cầu (GBTA) vừa loan báo rằng thị trường du hành công tác ở Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ trở thành nước lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đã chi 291,2 tỉ đôla cho việc du hành công tác trong năm 2015, cao hơn so với chi tiêu của Mỹ 290,2 tỉ đôla. Cách biệt này sẽ nới rộng trong năm 2016 khi mà thị trường của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 10,1 phần trăm trong khi thị trường của Mỹ tăng trưởng ở mức 1,9 phần trăm, theo dự báo của GBTA.

Colleen Lerro Gallagher, Giám đốc Truyền thông của GBTA, nói: "Mức tăng trưởng của Trung Quốc, dù tương đối chậm so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, vẫn còn rất cao so với phần còn lại của thế giới. Thậm chí với nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, điều hoàn toàn chắc chắn là Trung Quốc đang trên đường trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về chi tiêu du lịch công tác."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG