Trung Quốc hôm 10/8 nói “sẽ không thấy khó chịu” nếu con số các nhà lãnh đạo thế giới đến xem cuộc duyệt binh qui mô lớn ở Bắc Kinh để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Thế chiến thứ Hai ít hơn dự kiến.
Tờ Yonhap dẫn nguồn tin chính thức của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã hồi đáp bài viết của hãng tin Kyodo của Nhật cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-Hye không tham dự buổi diễu hành quân sự vào ngày 3/9 tới đây do Bắc Kinh tổ chức.
Tờ Kyodo trước đó dẫn lời các nguồn tin ngoại giao của Mỹ nói rằng Hoa Kỳ đã chuyển lời tới Tổng thống Park rằng nếu bà đến tham dự cuộc diễu hành ở Bắc Kinh, điều đó sẽ khiến thế giới lầm tưởng Trung Quốc đã phá vỡ liên minh Mỹ-Hàn.
Phát ngôn viên Min Kyung-wook của Nam Triều Tiên cho biết hiện chưa có quyết định về việc Tổng thống Park có đến dự khán buổi diễu hành hay không.
Yonhap trích dẫn bài xã luận của Global Times nói rằng “Trung Quốc mong có thêm nhiều các nhà lãnh đạo thế giới tới tham dự. Nhưng cũng không quan trọng nếu có ít người đến hơn. Trung Quốc sẽ không cảm thấy khó chịu nếu có ít hơn dự kiến các nhà lãnh đạo thế giới đến dự, nhưng nếu có nhiều người tới, chúng ta có thể tưởng tượng là Tokyo sẽ cảm thấy đau lòng như thế nào”.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang cân nhắc trong việc hồi đáp lời mời gửi các đại diện quân sự cấp cao đến tham dự diễu hành ở Bắc Kinh, một sự kiện được cho là làm gia tăng căng thẳng vốn có trong giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề chủ quyền lãnh hải cũng như quá khứ chiến tranh.
Ngoài các đại diện quân sự cấp cao, Bắc kinh còn mời New Dehli phái 75 binh sĩ tham gia vào buổi diễu hành ở Quảng trường Thiên An Môn, nơi Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tiến hành cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu vào năm 1989.
Tờ India Today nói quan điểm của Bắc Kinh là từ mức độ đáp trả lời mời tham dự từ các nước, bao gồm Ấn Độ, sẽ cho thấy vị trí của họ trong căng thẳng Trung-Nhật là như thế nào.
Cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều chỉ trích nhau là chính trị hóa sự kiện này. Bắc Kinh cho rằng nhiều nước phương Tây hay Nga đã tổ chức các sự kiện để đánh dấu ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, cho nên sẽ là không công bằng nếu Trung Quốc bị chỉ trích vì tổ chức cuộc diễu hành hiếm hoi có sự tham gia của các lực lượng nước ngoài nhân dịp này.
Trong khi đó, Tokyo nói Trung Quốc đang lợi dụng dịp này để nhấn mạnh đến các tội ác chiến tranh, cố tạo ra mối liên hệ giữa vụ tranh chấp lãnh hải hiện nay với quá khứ quân phiệt của Nhật Bản và làm bùng lên những mối quan ngại trong khu vực.
Hiện các tổng thống Nga, Mông Cổ, Ai Cập và Cộng hòa Czech đã chấp nhận lời mời tham dự của Bắc Kinh.
Theo Yonhap, Global Times, India Today.