Trung Quốc lại điều phản lực cơ chiến đấu đến một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông mà hồi đầu tháng này họ đã bố trí phi đạn địa đối không và đang lắp đặt một hệ thống radar tối tân. Thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok
Các giới chức ở Washington tối thứ ba cho biết một nhóm chiến đấu cơ chưa đầy 10 chiếc của Trung Quốc đã được trông thấy trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, bà Nina Hachigian, đã bày tỏ quan tâm về diễn tiến này.
"Chúng tôi có mối quan tâm lớn là những hành động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những tác dụng ngược."
Bắc Kinh điều chiến đấu cơ tới hòn đảo có tranh chấp sau khi đã bố trí các phi đạn địa đối không loại HQ-9 trên hòn đảo rộng 120 héc ta mà Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền.
Các nhà phân tích cho biết họ cảm thấy lo ngại nhiều hơn về việc Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở ra đa cao tần trên đảo Phú Lâm, cách đảo hải Nam của Trung Quốc khoảng 400 kilomét về hướng đông nam.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cơ sở ra đa đó sẽ làm tăng mạnh khả năng của Trung Quốc để theo dõi sự di chuyển của tàu bè và máy bay trong vùng biển có nhiều căng thẳng. Họ nói thêm rằng sự tăng cường khả năng đó -- cùng với những đường băng và các cơ sở khác mà Trung Quốc đang xây trên những hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, cho thấy Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu chiến lược là khống chế vùng biển và không phận trên khắp Biển Đông.
Sau khi truyền thông Trung Quốc đăng tải những hình ảnh của chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm hồi tháng 11 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã phái một chiếc khu trục hạm có trang bị phi đạn điều hướng băng qua vùng biển gần một hòn đảo khác có tranh chấp ở Biển Đông và điều máy bay B-52 cùng với một chiến hạm khác tiến vào khu vực này trong một cuộc tuần tra được gọi là bảo vệ tự do hàng hải.
Đại sứ Hachigian phát biểu như sau về những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông tại cuộc họp báo trực tuyến ở Jakarta ngày hôm nay.
"Những hoạt động của chúng tôi nhằm khẳng định tự do hàng hải là những hoạt động bình thường và hợp pháp. Những hoạt động này được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã tiến hành những hoạt động này trên khắp địa cầu từ năm 1979, kể cả ở Biển Đông, và Biển Đông không thể là một ngoại lệ."
Các giới chức Trung Quốc nói rằng những hoạt động đó của Mỹ làm gia tăng những mối căng thẳng trong khu vực.
Ngày hôm qua, trong cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Mỹ với Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ông mong Hoa Kỳ ngưng thực hiện những chuyến bay và những cuộc tuần tra gần những hòn đảo có tranh chấp.
Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Điều đáng tiếc là các loại phi đạn, chiến đấu cơ, súng ống, đại pháo và những thứ khác đã được bố trí ở Biển Đông, và điều này gây ra những mối lo ngại rất lớn cho tất cả những ai đi qua và dùng Biển Đông cho các hoạt động mậu dịch và thương mại có tính chất hoà bình."
Ngoại trưởng Kerry cho rằng không riêng gì Trung Quốc mà Việt Nam và các nước khác cũng gây ra điều mà ông gọi là “vòng leo thang lẩn quẩn” của những hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hoá trong vùng biển có tranh chấp.
Trước đó trong ngày hôm qua, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã có những lời lẽ thẳng thắn hơn khi nói về những hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hoá Biển Đông.
Tại cuộc điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, Đô đốc Harry Harris nói “Quí vị phải tin là trái đất vuông thì mới có thể tin là Trung Quốc không quân sự hoá Biển Đông".
Khi được hỏi Trung Quốc nhắm tới mục tiêu chiến lược nào khi tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, Đô đốc Harris nói “Tôi tin rằng Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở vùng Đông Á.”