Một tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và được xác định là có mặt trong vùng biển cách đảo Phú Quý của Việt Nam có 182 hải lý, trang tin Benar News của Mỹ trích dẫn các dữ liệu định vị cho biết.
Theo Benar News, hai công cụ theo dõi giao thông trên biển khác nhau cho thấy Tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc chạy về hướng các vùng biển của Việt Nam hôm Chủ nhật 14/6/2020, ngang qua một căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa.
Tàu này được định vị lần cuối cùng vào sáng ngày thứ Ba, cách đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận khoảng 182 hải lý, tức là bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Hiện không rõ lý do vì sao tàu Hải Dương 4 được điều vào khu vực này, và chưa thấy chính phủ Trung Quốc và Việt Nam lên tiếng về động thái này.
Vào tháng Bảy năm 2019, Trung Quốc đã đưa tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính, cũng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để sách nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một tập đoàn dầu khí của Nga.
Sự có mặt của tàu Hải Dương 4 lần này trong vùng biển Việt Nam, theo Benar News, có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.
Có dấu hiệu cho thấy các hoạt động dò tìm dầu lửa sắp sửa được tiến hành gần khu vực này. Truyền thông nhà nước Việt Nam tường trình rằng giàn khoan dầu Clyde Boudraux của công ty Noble Corp dự định sẽ hoạt động trong khu vực này. Theo các dữ liệu định vị, giàn khoan này đã được kéo tới cảng Vũng Tàu hôm 22/4 nhưng cho tới giờ vẫn chưa rời cảng.
Trung Quốc lâu nay vẫn áp lực các công ty dầu khí quốc tế ngưng hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.