Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại một cuộc họp báo hôm 13/5 rằng Trung Quốc vui mừng khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với Mỹ và hy vọng điều đó sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Phát biểu này được đưa ra vào lúc Mỹ cứu xét việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí kéo dài 3 thập niên đối với Việt Nam. Ông Lục không cho biết thêm chi tiết.
Hiện đang có tranh luận trong chính phủ Mỹ về việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam giữa lúc diễn ra công tác chuẩn bị cho tổng thống Mỹ thăm Việt Nam vào cuối tháng 5. Hai nước cựu thù đang ngày càng đẩy mạnh quan hệ đối tác chống lại việc Trung Quốc ngày càng mạnh bạo khẳng định lãnh thổ ở Biển Đông.
Hôm 12/5, Việt Nam nói sẽ hoan nghênh việc Mỹ đẩy nhanh tiến trình bãi bỏ lệnh cấm, một động thái sẽ thể hiện lòng tin giữa hai nước. Lệnh cấm đã được nới lỏng vào cuối năm 2014.
Trong một bài viết được Forbes Asia đăng tải hôm 12/5, cây viết Ralph Jennings, người theo dõi Trung Quốc và châu Á trong nhiều năm, cho rằng ông Obama sẽ thăm Việt Nam để bàn thảo ít nhất hai cách thức mà Việt Nam có thế đối phó với Trung Quốc đang bành trướng nhanh chóng.
Thứ nhất, chính phủ Mỹ có thể ngỏ ý cung cấp viện trợ quân sự, kể cả chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Việt Nam có thể sử dụng các vũ khí đó như một biện pháp răn đe Bắc Kinh.
Việt Nam có nhiều tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông; tại đó, trong thời gian vài năm gần đây Trung Quốc đã cải tạo và quân sự hóa nhiều thực thể. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển song hy vọng kiềm chế được sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói nước ông và Việt Nam đang làm việc cùng nhau về an ninh ở Biển Đông và đây là một trong những “lợi ích chung” của hai nước.
Nỗ lực giúp đỡ Việt Nam về mặt quân sự sẽ là bước tiếp theo của Mỹ sau hai năm gia tăng hợp tác với Philippines để giúp nước này tăng sự kháng cự đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền ủng hộ lệnh cấm bán vũ khí vì họ cho rằng Việt Nam vẫn bắt bớ và làm hại các nhà bất đồng chính kiến.
Cách thứ hai mà chuyến thăm của ông Obama có thể giúp Việt Nam là hai bên sẽ bàn thảo về vai trò của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại Tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP. Khối 12 nước tham gia hiệp định chiếm 40% nền kinh tế thế giới, nhưng không có Trung Quốc tham gia vì các nước ký TPP muốn làm đối trọng với Trung Quốc trong hoạt động thương mại toàn cầu ngày nay.
Ông Oscar Mussons, một cố vấn về thương mại quốc tế thuộc hãng tư vấn Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ông Obama sẽ sử dụng chuyến thăm để thúc ép Việt Nam cải thiện các điều kiện lao động và các tiêu chuẩn môi trường, theo quy định của TPP. Ông nói: “Chuyên thăm của ông Obama sẽ là một lời nhắc nhở tốt cho cả hai nước về các nghĩa vụ của họ, và cũng là cơ hội để Việt Nam chứng minh rằng họ sẵn sàng biến chuyển và tiếp tục chỉnh sửa pháp luật để có một môi trường kinh doanh thân thiện hơn”.
Việt Nam là nước cung cấp hàng cho Mỹ nhiều nhất trong số các nước ASEAN, và ông Mussons nhận xét điều đó “đồng nghĩa với việc thương mại dự kiến sẽ tăng vọt sau khi TPP được thực thi”. Việt Nam được xem là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP ở châu Á.
Theo Reuters, International Business Times, Forbes.