Đường dẫn truy cập

TQ: Nhà tài trợ lớn hàng nhì ở Nam Thái Bình Dương


Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21 tháng 6, 2018. Papua New Guinea là một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21 tháng 6, 2018. Papua New Guinea là một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương.

Trung Quốc nổi lên như một nước cấp viện trợ lớn thứ hai ở Nam Thái Bình Dương, theo những số liệu được công bố hôm thứ Năm bởi một viện nghiên cứu chính sách ở Úc. Nó cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở một khu vực mà lâu nay Úc và New Zealand vẫn thống trị.

Các khoản viện trợ trị giá 1,3 tỉ đôla và các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc kể từ năm 2011 kém xa 6,6 tỉ đôla của Úc, theo những số liệu do Viện Lowy được Úc tài trợ, nhưng cao hơn 1,2 tỉ đôla của New Zealand.

Chi tiêu của Trung Quốc chiếm gần 9 phần trăm tổng số tiền viện trợ ở Nam Thái Bình Dương. Nếu tính thêm các khoản viện trợ được cam kết, những khoản viện trợ được hứa hẹn của Trung Quốc lên tới 5,9 tỉ đôla, gần bằng một phần ba tổng số tiền viện trợ được 62 nước cam kết cung cấp cho 14 nước thuộc khu vực này.

Phân tích của viện Lowy được công bố giữa lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi. Úc đã có những hành động nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nước cũng như đẩy mạnh sự can dự của mình ở Thái Bình Dương, cùng với New Zealand và Mỹ.

Úc gần đây đã vượt qua Trung Quốc để giành hợp đồng lắp cáp internet đến Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, những nơi mà nghiên cứu xếp hạng là hai nước nhận viện trợ lớn nhất trong khu vực. Úc đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về quy mô của hoạt động cho vay của Trung Quốc.

Các số liệu của viện Lowy, không bao gồm đóng góp của New Zealand kể từ tháng 3 năm 2017, cũng cho thấy Trung Quốc cạnh tranh với Đài Loan để sử dụng tiền viện trợ như một phương tiện vun đắp quan hệ ngoại giao trong một khu vực mà một phần ba các nước là đồng minh của Đài Loan.

Tính theo bình quân đầu người, Bắc Kinh, vốn coi đảo Đài Loan tự trị là một tỉnh li khai của "một nước Trung Quốc," đầu tư 108 đôla ở bảy quốc gia ủng hộ lập trường đó. Đài Loan chi 120 đôla đầu người ở sáu quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với họ.

Các đại diện của Trung Quốc và Đài Loan tại Úc không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận, Reuters cho biết. Phát ngôn viên của bộ ngoại giao New Zealand hay các bộ ngoại giao ở Bắc Kinh và Đài Bắc cũng không bình luận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG