Một báo cáo gần đây của tổ chức Greenpeace Đông Á cho biết sản lượng của ngành công nghiệp thép Trung Quốc thực tế đã tăng ròng 36,5 triệu tấn trong năm ngoái.
Thế nhưng công suất thép tăng không có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn môi trường vào lúc các thị trường toàn cầu vẫn thừa thép còn các tỉnh miền bắc Trung Quốc đang phải chịu nạn khói mù ngày càng tồi tệ hơn.
Trung Quốc vốn đã là nước phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, chiếm hơn một phần tư khí thải carbon dioxide toàn cầu.
Vẫn theo Greenpeace, các nhà máy nhiệt điện than còn gây đau đầu lớn hơn cũng như làm cho chất lượng không khí của nước này tồi tệ thêm vì chúng là những nguồn thải ra nhiều nhất sulfur dioxide và bụi li ti.
Nhưng tổ chức này cũng cho biết đã có những bước tiến tích cực được tiến hành.
Đầu tháng 1, Trung Quốc đã ra lệnh đình chỉ 103 dự án nhiệt điện than, gần một nửa trong số 210 nhà máy mới đã được phê duyệt từ năm 2015. Làm như vậy, Trung Quốc hy vọng khống chế công suất nhiệt điện than của nước này dưới 1.100 gigawatt.
Theo thông tin của Cục Năng lượng Quốc gia hôm 17/2, chính phủ đặt mục tiêu đóng cửa 500 mỏ than vào năm 2017 với tổng công suất là 50 triệu tấn, tương đương 20% của mục tiêu 250 triệu tấn trong năm ngoái.
Các chuyên gia lạc quan về khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu 2020 về môi trường, trong đó bao gồm việc giảm 18% carbon dioxide trên mỗi đơn vị GDP và giảm 15% tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, điều này nằm trong những nỗ lực tổng thể hiện có của đất nước chuyển năng lượng sạch hơn.
Để đáp ứng các mục tiêu, Trung Quốc đã công bố tổng đầu tư 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (373 tỷ đôla) cho lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo mới từ nay đến năm 2020, trong đó bao gồm 75 tỷ đôla cho thủy điện, 104,5 tỷ đôla cho phong điện và 149,3 tỷ đôla cho điện mặt trời.