Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phản pháo chỉ trích của quốc tế liên quan tới Lưu Hiểu Ba


Trung Quốc hôm thứ Sáu phản pháo những chỉ trích của thế giới sau khi họ bác bỏ di nguyện của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình vừa qua đời, về việc rời khỏi Trung Quốc và cũng đang đối mặt với áp lực trả tự do cho góa phụ của nhà tranh đấu dân chủ này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh đã chính thức trình công hàm ngoại giao phản đối Mỹ, Pháp, Đức và Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về "những phát biểu vô trách nhiệm" của họ về ông Lưu Hiểu Ba, nhắm mục tiêu vào giải Nobel của ông.

"Trao giải thưởng cho một người như vậy đi ngược lại những mục đích của giải thưởng này. Đó là một lời báng bổ đối với giải thưởng hòa bình," hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên này trả lời phóng viên trong một cuộc họp báo. Ông cũng đả kích Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vì những phát biểu của bà về ông Lưu và về lời kêu gọi của bà cho dân chủ ở Trung Quốc, nói rằng hành vi của bà là "rất nguy hiểm," theo Reuters.

Mỹ và Liên minh Châu Âu đã bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông Lưu Hiểu Ba trong khi hối thúc chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình để cho góa phụ của ông, nhà thơ Lưu Hà, người đã bị quản thúc tại gia từ năm 2010, được rời khỏi đất nước này.

Reuters dẫn lời một số người bạn của bà Lưu cho biết họ không thể liên lạc được với bà, người đang mắc chứng trầm cảm, hoặc xác nhận được bà đang ở đâu.

Một số nỗ lực đang được thực hiện để nhà chức trách Trung Quốc cho phép bà và người em trai của bà, người đang bị giam giữ 11 năm tù, được rời đi, theo lời một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters. Tuy nhiên không rõ liệu họ sẽ thành công hay không.

Hãng tin này cho biết một số nguồn tin ngoại giao cũng nói rằng trước khi chồng nhập viện, bà Lưu Hà đã bày tỏ nguyện vọng được đi Đức trong những cuộc điện đàm với đại sứ quán Đức.

Phát ngôn viên Cảnh Sảng nói ông không có thông tin gì về bà Lưu Hà, nhưng nói rằng việc nhập cảnh và xuất cảnh của công dân Trung Quốc sẽ được xử lý theo luật pháp.

Trong khi đó, Đức bày tỏ sự tiếc nuối rằng Bắc Kinh đã phớt lờ đề nghị của họ đón ông Lưu sang chữa trị, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tưởng nhớ ông như một "chiến binh tự do." Anh đả kích Trung Quốc vì ngăn ông Lưu ra nước ngoài chữa bệnh.

Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Zeid Ra'ad Al Hussein, nói ông Lưu "bị tống giam vì đã đứng lên vì niềm tin của mình."

Một số phản ứng toàn cầu về cái chết của ông Lưu Hiểu Ba tương đối lặng lẽ, nêu bật vị sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường về kinh tế và ngoại giao trên trường quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi ông Tập tại một cuộc họp báo chung ở Paris và chỉ bày tỏ nỗi tiếc thương ông Lưu trong những phát biểu sau đó.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc nói trong một bài xã luận bằng tiếng Anh rằng "phương Tây đã ban cho Lưu vầng hào quang mà sẽ không tồn tại lâu."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG