Trung Quốc đã thu hút sự chú tâm của nhiều người vì chiến dịch chống gián điệp được phát động mới đây, trong đó có hai vụ án hình sự và nhiều lời cảnh báo kêu gọi dân chúng lưu ý tới mối nguy hiểm của gián điệp nước ngoài. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Hồng Kông.
Tuần trước, Trung Quốc đã tuyên án tử hình cho ông Hoàng Vũ, một chuyên viên điện toán, về tội giúp đỡ cho gián điệp nước ngoài. Bản án được tuyên vài tháng sau khi Trung Quốc loan báo việc truy tố một người đàn ông khác, một người Canada làm chủ một quán cà phê trong vùng biên giới Trung Quốc giáp với Bắc Triều Tiên, về tội gián điệp và đánh cắp bí mật nhà nước.
Bản án của ông Hoàng Vũ được loan báo trong cùng ngày Trung Quốc đánh dấu Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia đầu tiên.
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Hoàng Vũ, người từng làm việc cho một công ty công nghệ chuyên về mã hoá, đã được trả hơn 700.000 đô la từ năm 2002 đến năm 2011 để chuyển thông tin mật cho một nước ngoài mà không nói rõ là nước nào. Mẹ và anh rể của ông Hoàng cũng bị tuyên án tù về tội bất cẩn làm tiết lộ bí mật quốc gia.
Ông Hoàng Vũ đã lên đài truyền hình trung ương và cảnh báo dân chúng ở Trung Quốc là nếu họ làm gián điệp cho các thế lực nước ngoài họ phải ra đầu thú. Ông nói “Điều đó có ích cho bản thân của quí vị và cho gia đình của quí vị.”
Ông William Nye, một nhà nghiên cứu Trung Quốc của Hội Ân Xá Quốc Tế, nói rằng việc tuyên án cho ông Hoàng Vũ và chiến dịch chống gián điệp của Trung Quốc có phần chắc sẽ khích động tinh thần bài ngoại.
"Họ phát động một chiến dịch giáo dục qui mô lớn trên toàn quốc, trong đó họ nói rằng loại gián điệp này không giống như trong phim gián điệp 007, mà những gián điệp này có thể là những người ở xung quanh. Đoạn phim của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc còn kèm theo một điệu nhạc rùng rợn, và với những cách thức nào đó, nó có mục đích làm cho mọi người gia tăng nhận thức nhưng nó cũng làm gia tăng sự nghi ngờ đối với người khác, đối với người nước ngoài và những sự liên hệ với người ngoại quốc."
Tuần trước, Trung Quốc cũng phân phát một cuốn sách hình 16 trang nói về mối quan hệ giả tưởng giữa một học giả phương tây đẹp trai tên David với một phụ nữ Trung Quốc tên Tiểu Lý. Sau những lần tặng hoa, mời đi ăn tối và đi dạo trong công viên, anh David bảo cô Lý trao cho anh những văn kiện mật mà nói sẽ giúp ích cho công trình nghiên cứu học thuật của mình.
Sau khi cô Lý làm như vậy, cô đã bị nhà chức trách bắt giữ và khi đó cô mới biết anh David là gián điệp.
Chính phủ ở Bắc Kinh và một số nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng những chiến dịch chống gián điệp như vậy là cần thiết.
Ông Thẩm Định Lập, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Phục Đán, nhận định như sau.
"Đó là một việc chính đáng để bảo vệ bí mật quốc gia. Nếu công dân Trung Quốc tiết lộ những bí mật này mà không được chính quyền cho phép, điều đó sẽ gây phương hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, và đó là điều mà bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào cũng đều quan tâm."
Tuy nhiên, bà Eva Pils, một nhà luật học của Đại học King’s ở London, cho rằng cuốn sách hình về gián điệp và những bài tường thuật của truyền thông nhà nước về những vụ án gián điệp tạo ra một cái cớ để Trung Quốc trấn áp các tổ chức phi chính phủ, báo chí và các cơ quan truyền thông xã hội.
"Tôi nghĩ rằng nó giúp cho chính phủ giải thích về việc cần phải tăng cường các hoạt động để bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, nhưng những hoạt động này cũng bao gồm sự gia tăng đàn áp đối với xã hội dân sự."
Trung Quốc đã thiết lập một đường giây nóng để chống gián điệp hồi năm ngoái, sau khi ban hành một luật mới về an ninh nhắm vào gián điệp nước ngoài và những công dân Trung Quốc giúp đỡ họ.