Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ra lệnh cho công ty quốc doanh thu nhận binh sĩ giải ngũ


Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành ở Thiên An Môn nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến.
Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành ở Thiên An Môn nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã ra lệnh cho các xí nghiệp quốc doanh thu nhận những binh sĩ sắp sửa giải ngũ trong khuôn khổ của kế hoạch cải cách quân đội mà Chủ tịch Tập Cận Bình loan báo hồi tháng 9. Theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại Bắc Kinh, lệnh này gây thêm khó khăn cho các công ty đã phải sa thải công nhân để tìm cách duy trì sức cạnh tranh.

Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã loan báo kế hoạch cải cách quân đội, trong đó có việc cắt giảm 300.000 quân của đội quân gồm 2,3 triệu người.

Mới đây, một bài bình luận trên tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói “Việc thu nhận quân nhân giải ngũ có liên hệ tới cục diện chung của công tác kiến thiết quân đội và sự hài hòa và ổn định của xã hội”.

Chỉ thị mới của giới hữu trách ở Bắc Kinh có thể là một đòn nặng giáng vào các xí nghiệp quốc doanh đang phải sa thải công nhân để tìm cách duy trì sức cạnh tranh trong lúc tình hình kinh tế có nhiều khó khăn. Các công ty dầu khí, than đá, điện lực, sắt thép và xi măng ở Trung Quốc, hầu hết là các công ty quốc doanh, đã bị thua lỗ lớn trong hai năm qua, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị chậm lại.

Ông Geofferey Crothall, một viên chức cấp cao của Bản tin Lao động Trung Quốc ở Hồng Kông, nói: “Tôi dự kiến một số xí nghiệp quốc doanh sẽ nói không hoặc sẽ tìm cách chống lại chỉ thị mới này. Trong số những công ty này có rất nhiều công ty hoàn toàn không có khả năng để tuyển thêm nhân viên”.

Có những dấu hiệu cho thấy chính phủ cũng nghĩ rằng sẽ có một số sự chống cự của các doanh nghiệp nhà nước, và theo truyền thông nhà nước, giới hữu trách đã có những biện pháp để đối phó.

Theo tờ Quân đội Giải phóng, các xí nghiệp quốc doanh không được đưa ra “những văn bản có tính chất phân biệt đối xử” nhắm vào bộ đội phục viên hoặc từ chối tuyển dụng họ hoặc hạn chế số nhân viên là bộ đội phục viên.

Những viên tổng giám đốc của các công ty quốc doanh đã bị theo dõi sát trong những năm gần đây vì chiến dịch chống tham nhũng mà chính quyền đang tiếp tục thực hiện với qui mô lớn. Và điều này có nghĩa là những viên giám đốc có lẽ sẽ không dám từ chối một cách trực tiếp khi được yêu cầu thu nhận quân nhân giải ngũ.

Nhưng ông Crothall nói rằng có những khó khăn trong việc thực thi kế hoạch này vì nhiều xí nghiệp quốc doanh hiện nay đã không tuyển thêm nhân viên nữa, mà thay vào đó, họ thuê nhân viên hợp đồng khi cần. Ngoài ra, hàng trăm xí nghiệp nhà nước do chính quyền tỉnh hay chính quyền thành phố làm chủ đã bắt đầu không còn làm ăn có lời từ nhiều năm nay và phải dựa vào nguồn tiền của các chính quyền địa phương để tránh bị phá sản.

Nếu bị buộc phải tuyển thêm nhân viên, các công ty này có phần chắc sẽ cần thêm sự trợ giúp tài chánh để trả lương cho quân nhân giải ngũ. Và như vậy có nghĩa là chính phủ rốt cuộc sẽ tiếp tục gánh lấy trách nhiệm trả lương cho những quân nhân giải ngũ, cho dù họ đã cởi bỏ quân phục để gia nhập lực lượng lao động.

XS
SM
MD
LG