Nhà chức trách trong khu vực dễ xảy ra bạo lực, Tân Cương, phía tây Trung Quốc đang treo các giải thưởng trị giá lên đến 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu đôla) cho những chỉ điểm “chống khủng bố”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chính sách này được đưa ra trùng hợp với việc gia tăng đáng kể chi tiêu an ninh trong khu vực.
Hàng trăm người đã bị giết chết ở Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết là do tình trạng bất ổn giữa người thiểu số Hồi giáo Uighur, vốn xem khu vực này là quê hương, với người Hán chiếm đa số. Bắc Kinh đổ lỗi tình trạng bất ổn trên là do các chiến binh Hồi giáo.
Sau một thời gian tương đối yên tĩnh, hiện bạo lực đang gia tăng trong những tháng gần đây ở phía nam của khu vực, bao gồm địa khu Hotan của Uighur, nơi các giới chức đang treo giải thưởng “cao kinh khủng” cho những người cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm, từ tấn công bạo lực cho tới đối đầu bất hợp pháp.
Các giải thưởng có trị giá từ 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 730.000 đôla) cho “những thông tin hoạt động nội bộ” kiểm chứng được về các kế hoạch tấn công vào đám đông hoặc các cơ quan chính quyền và của Đảng Cộng sản, tờ báo nhà nước Hotan Daily cho biết hôm thứ Ba (21/2).
Giải thưởng thấp nhất cho người chỉ điểm là 2.000 nhân dân tệ (290 đôla) cho những thông tin như “trùm mặt và mặc áo choàng”, “thanh niên có bộ râu dài”, hoặc người mặc những trang phục tôn giáo phổ biến bị xem là “nhạy cảm”.
Trước đây, đã có nhiều nơi ở Tân Cương và ở Trung Quốc đại lục treo giải thưởng tương tự, dù không nhiều như ở Hotan.
Tuần trước, các lực lượng an ninh đã tổ chức các cuộc mít-ting chống bạo động tại Tân Cương sau một loạt các vụ tấn công, với hàng trăm cảnh sát và xe bọc thép diễu qua các đường phố của thủ phủ Urumqi và ở Hotan.
Trong tháng này, 3 kẻ tấn công bằng dao đã giết chết 5 người và làm bị thương 5 người khác trước khi bị bắn chết ở Hotan.
Hồi tháng Giêng, truyền thông nhà nước đưa tin chi tiêu an ninh công cộng của Tân Cương trong năm 2016 đã tăng 19,3%, lên hơn 30 tỷ nhân dân tệ.
Chính quyền Trung Quốc thường đổ lỗi tình trạng bất ổn trong khu vực cho các chiến binh Hồi giáo ly khai, mặc dù các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sự kiểm soát gắt gao của Trung Quốc về tôn giáo và văn hóa đối với người Uighur đã gây ra sự căm hờn và đây mới chính là nguyên do.
Trung Quốc phủ nhận bất kỳ sự đàn áp nào tại Tân Cương.