Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới, Reuters dẫn bốn nguồn tin am hiểu kế hoạch này cho biết hôm 6/10.
Chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của trung tâm sản xuất Đông Nam Á, khi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Bốn người am hiểu về các cuộc thảo luận này nói với Reuters rằng công việc đang được tiến hành nhằm đưa ra một tuyên bố chung trong chuyến thăm của ông Tập.
Hai nguồn tin trong số này cho biết các bên đang thảo luận về việc cùng nhau tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ thường được ông Tập sử dụng và một số người không đồng tình. Hai nguồn tin cho biết, các quan chức Việt Nam thận trọng khi đưa cụm từ này vào tuyên bố chung.
Nguồn tin thứ năm của Việt Nam cho biết tuyên bố chung có thể sẽ bao gồm cụm từ trên. Theo hai nguồn tin, điều này có thể được hiểu là sự nâng cao mối quan hệ giữa hai nước, nhưng không rõ điều đó sẽ đòi hỏi những gì và những thỏa thuận cụ thể nào có thể được công bố.
Người thứ năm này và 4 người kia được thông báo về cuộc đàm phán đã từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Chuyến thăm này vẫn chưa được thông báo và vẫn có thể bị hủy hoặc hoãn lại, nhưng các công tác chuẩn bị hậu cần đã được cân nhắc.
Khi được hỏi về chuyến thăm có thể diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm 5/10: “Tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng của Việt Nam sẽ được thông báo cho các bạn khi thích hợp”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời các câu hỏi được gửi qua email của Reuters về thời gian của chuyến thăm và nội dung của tuyên bố chung.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.
Chuẩn bị chuyến thăm cấp nhà nước
Một nguồn tin cho biết Trung Quốc đã cử đoàn đến Hà Nội để tổ chức chỗ ở cho phái đoàn của ông Tập.
Một người khác cho biết nhóm đang tìm cách đặt 800 phòng tại các khách sạn ở thủ đô Việt Nam, một con số phù hợp với chuyến thăm cấp nhà nước.
Nguồn tin cho biết thêm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ tới thăm Hà Nội vào giữa tháng 10 để giúp hoàn thiện tuyên bố chung nếu đạt được tiến bộ đầy đủ về văn bản.
Thời điểm chuyến thăm của ông Tập sẽ trùng với kỳ họp quốc hội kéo dài một tháng, diễn hai lần trong năm của Việt Nam. Ông Tập đã phát biểu tại kỳ họp này trong chuyến thăm Hà Nội trước đó vào năm 2015.
Các quan chức cho biết chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được chuẩn bị trong nhiều tháng.
Việt Nam được coi là ngày càng quan trọng đối với cả hai siêu cường, khi nước này mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhập khẩu linh kiện công nghiệp từ Trung Quốc rồi lắp ráp trước khi xuất khẩu thành phẩm sang Hoa Kỳ hoặc Châu Âu.
Washington vừa nâng cấp quan hệ với Hà Nội vào tháng 9, nâng Hoa Kỳ lên ngang hàng với Trung Quốc trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sau nỗ lực ngoại giao kéo dài.
Với tư cách là chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã tới Việt Nam hai lần, với chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương với các ông Donald Trump, Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác.
Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại nước láng giềng phía nam, cam kết chi gần 3 tỷ đôla vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, gấp 6 lần so với Mỹ trong cùng kỳ và chỉ đứng sau Singapore.
Bắc Kinh và Hà Nội có mâu thuẫn về ranh giới ở Biển Đông và có lịch sử xung đột kéo dài hàng thế kỷ; cuộc chiến gần nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam là vào năm 1979.
Diễn đàn