Dù Việt Nam có trở nên thân thiết với Mỹ đến mấy thì nước này cũng sẽ không trở thành đồng minh của Mỹ hay tham gia vào nỗ lực do Mỹ lãnh đạo để kiềm chế Bắc Kinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà phân tích trong và ngoài nước nhận định với VOA.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam hôm 10/9 thì Washington đã được Hà Nội nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, tức là ngang hàng với Trung Quốc trong khuôn khổ quan hệ với Việt Nam.
Bắc Kinh là một trong những nước đầu tiên có khuôn khổ quan hệ cao nhất với Việt Nam. Trong nhiều năm quá hai nước có cùng ý thức hệ cộng sản này đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, thể hiện ở việc Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần thăm viếng lẫn nhau.
‘Sẽ không là Philippines thứ hai’
Trong một bài xã luận có tiêu đề ‘Việt Nam sẽ không thành một Philippines thứ hai trong chiến lược’ của Mỹ đăng ngày 9/9, tức là chỉ một ngày trước chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng ‘Mỹ nôn nóng lôi kéo Việt Nam nằm trong nỗ lực nhằm vào Trung Quốc’.
“Mỹ khẩn trương nâng cấp quan hệ với Việt Nam là để đưa nước này vào quỹ đạo chống Trung Quốc của họ,” bài xã luận viết và dẫn chứng là những hỗ trợ an ninh Washington dành cho Việt Nam trên Biển Đông trước đây và việc đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ trong lần nâng cấp quan hệ này.
Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo, phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng ‘Việt Nam không thể nào ngả hoàn toàn về phía Mỹ’ và dẫn ra việc các lãnh đạo Hà Nội đã nói rõ với Trung Quốc rằng ‘Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội’.
“Cho dù có một số tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam có mối quan hệ lịch sử rất gần gũi với Trung Quốc và có sự gắn kết về văn hóa,” bài xã luận viết. “Xét từ góc độ lợi ích quốc gia, Hà Nội sẽ không đi chệch khỏi chính sách cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.”
“Một mặt, Hà Nội muốn tiến gần với Mỹ, nhưng mặt khác, họ rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Việt Nam cố gắng duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, học hỏi công nghệ Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích,” bài xã luận viết tiếp.
Tờ Hoàn cầu Thời báo cũng nhắc nhở rằng ‘Hà Nội không tin tưởng Washington’. “Việt Nam tin rằng Mỹ chỉ là tạm thời lợi dụng họ, và nếu tình hình cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung thay đổi trong tương lai, thì sẽ khó mà xác định thái độ của Mỹ đối với Việt Nam,” Hoàn cầu Thời báo nhận định.
Trên thực tế, không lâu sau khi Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ, hôm 16/9, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, để tham dự Hội chợ và Thượng đỉnh Đầu tư-Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN. Tại đây, ông Chính đã gặp người đồng cấp của nước chủ nhà Lý Cường để khẳng định rằng Việt Nam xem quan hệ với Trung Quốc ‘là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu’. Ông Lý nói ‘ủng hộ Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’ và ‘sẵn sàng không ngừng mở rộng quan hệ giữa hai nước’.
Và khi vừa từ Nam Ninh về tới Hà Nội trưa ngày 17/9, ngay trong chiều hôm đó, ông Chính đã lên đường đi Mỹ trong chuyến công du kéo dài 7 ngày để tiếp xúc với chính giới Mỹ và phát biểu tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi gặp các lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 19/9, ông Chính nói là ‘Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ’.
‘Không chống Trung Quốc’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, vốn giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc tế VinUni, cho rằng chỉ nên xem xét việc nâng cấp quan hệ trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ chứ không nên đặt vấn đề nó nhằm vào một nước thứ ba. Chính mối lo ngại nó sẽ được xem là nhắm vào Trung Quốc là một phần nguyên nhân khiến việc nâng cấp này nhiều lần bị trì hoãn, không có lợi cho Việt Nam, ông lý giải.
Tiến sỹ Hải nhắc lại chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, tức là không lệ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào, và nguyên tắc ‘4 không’ để khẳng định rằng ‘dù Việt Nam có quan hệ tốt đẹp đến đâu với Mỹ thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi nếu Trung Quốc không tự làm thay đổi quan hệ đó’.
“Tôi nghĩ khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam không cần phải trấn an Bắc Kinh, và Trung Quốc cũng không phải lo ngại là Việt Nam xác lập quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào khác là để chống lại họ,” học giả này nói.
Ông lập luận trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường thì việc họ lôi kéo nước này hay nước kia về phía họ ‘cũng là điều dễ hiểu’. “Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ hẳn cũng sẽ làm Trung Quốc không vui,” ông nói.
Thế nhưng ông cho rằng từ chính sách đối ngoại của Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại, Bắc Kinh ‘cần phải hiểu Việt Nam có thể lập quan hệ chiến lược với cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng không đồng nghĩa sẽ cùng nước này để chống nước kia và sẽ không để bị lôi kéo vào các tranh chấp và cạnh tranh giữa các cường quốc’.
“Đây là bài học mà Việt Nam đã phải trả bằng xương máu trước đây,” ông giải thích.
Trong một cuộc phỏng vấn do VOA thực hiện ở Washington D.C. hôm 19/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã thẳng thừng bác bỏ việc Mỹ phát triển quan hệ với Việt Nam ‘là vì Trung Quốc’.
“Mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam có giá trị tự thân của nó và nó không liên quan đến bất kỳ nước thứ ba nào,” ông khẳng định với VOA.
“Tôi chắc chắn rằng Việt Nam, khi họ nhìn về phía chúng tôi thì đó là vì các mục tiêu mà hai nước chia sẻ, vì lợi ích mà hai nước chúng tôi chia sẻ. Thực tế là nỗ lực của hai nước ăn khớp với nhau là để đảm bảo Việt Nam là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, có nền kinh tế số đến năm 2030, và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” vị đại sứ này nói.
‘Vì lợi ích của chính Việt Nam’
Trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm 20/9 trên tờ Tuổi Trẻ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ ‘phục vụ lợi ích chiến lược cao nhất của Việt Nam là hòa bình, ổn định và phát triển, đảm bảo vị thế của Việt Nam và cục diện quan hệ đối ngoại rộng mở, cùng có lợi với tất cả các đối tác’.
“Trên hết, Việt Nam quan hệ tốt với tất cả nước để nâng cao tiềm lực và nội lực để có khả năng răn đe và bảo vệ chủ quyền của chính mình,” Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nói với VOA.
Giáo sư-Tiến sỹ Zachary Abuza từ trường Chiến tranh Quốc gia, Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington D.C., nhận định với VOA rằng khuôn khổ quan hệ mới giữa Mỹ và Việt Nam ‘chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế’ và chỉ ra tuyên bố chung giữa hai nước ‘không đả động gì đến quan hệ quốc phòng’.
Theo lời ông thì Hà Nội muốn có quan hệ gần gũi hơn với Washington về mặt kinh tế vì chỉ có Washington, chứ không phải Bắc Kinh, mới giúp đưa Việt Nam ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Do đó, ông cho rằng không nên phóng đại tầm quan trọng của việc nâng cấp quan hệ này là ‘nhằm vào Trung Quốc’ hay gì khác. “Nó không cho thấy có thay đổi căn bản trong đường hướng của chính sách ngoại giao và an ninh của Hà Nội,” ông phân tích.
Dẫn ra các chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Quốc ngay sau khi Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Giáo sư Abuza nói các lãnh đạo Việt Nam sẽ chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy ‘mối quan hệ của họ với Washington là ‘thuần về kinh tế’ và Hà Nội ‘vẫn sẽ ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh, vẫn theo đuổi đường lối đối ngoại tự chủ và sẽ không khi nào vi phạm nguyên tắc 4 không’.
“Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua đã rất cần mẫn xây dựng mối quan hệ với Tập Cận Bình và các lãnh đạo giữa hai đảng cũng thường xuyên có các cuộc thăm viếng, trao đổi,” ông chỉ ra.
‘Cố gắng cân bằng’
Việt Nam ‘quyết tâm phát triển quan hệ với tất cả các nước và không chọn phe’, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nói trên tờ Tuổi Trẻ. “Quan hệ Việt - Mỹ cũng như việc nâng cấp cũng nhất quán với đường lối đối ngoại ấy: thêm bạn, bớt thù, hợp tác đôi bên cùng có lợi, không chỉ với hai bên mà còn có lợi cho cả bạn bè xung quanh, khu vực và thế giới,” ông diễn giải.
Khi được hỏi Hà Nội sẽ hành xử như thế nào như thế nào để không bị cuốn vào cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung khi mà cả hai siêu cường giờ đây đều là đối tác chiến lược toàn diện của họ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nói rằng ‘Việt Nam sẽ cố gắng đến mức tối đa cân bằng quan hệ chiến lược với hai đối tác quan trọng bậc nhất tới lợi ích của Việt Nam’.
“Không nên hiểu việc nâng cấp quan hệ lần này là Hà Nội tiến gần đến Washington hơn, hay xa cách Trung Quốc hơn,” ông lưu ý.
“Để tránh bị lôi kéo vào cạnh tranh và xung đột, cách tốt nhất là Việt Nam không để bị lệ thuộc vào bất kỳ nước nào dù là chính trị hay kinh tế,” ông lập luận.
Trả lời câu hỏi khi lợi ích kinh tế cùng an ninh của Hà Nội ngày càng gắn kết với Mỹ thì liệu Việt Nam có trở thành một đồng minh của Mỹ trên thực tế hay không, ông Hải nói: “Tôi không nghĩ trong nhận thức của các nhà lãnh đạo và chiến lược Việt Nam là Việt Nam sẽ trở thành đồng minh của Trung Quốc hay của Mỹ, hay của bất kỳ liên minh nào khác.”
“Việt Nam đã từng là nạn nhân của các cuộc tranh giành ảnh hưởng, các cuộc mặc cả về lợi ích của các cường quốc,” ông chỉ ra.
Tuy nhiên, ông lưu ý ngoài ‘bốn không’, Việt Nam còn có nguyên tắc ‘một tùy’, tức là ‘tùy theo diễn biễn của tình hình và trong điều kiện cụ thể’. Khi đó Việt Nam có thể tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm bảo vệ lợi ích của mình nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ liên minh với nước nào đó để kiềm chế Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ Marc Knappper cho rằng Việt Nam ‘sẽ luôn là đối tác chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ’ và hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có đủ phương tiện để bảo vệ lợi ích của mình cho dù đó là tài nguyên hay lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế,” ông nói.
“Chúng tôi cũng trông đợi các nhà thầu quốc phòng Mỹ có cơ hội trong tương lai để làm việc với phía Việt Nam để giúp Việt Nam đa dạng hóa và hiện đại hóa quân đội của họ.”
Diễn đàn