Đường dẫn truy cập

Trung Quốc khó lòng gây ảnh hưởng với Việt Nam?


Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm 2017
Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm 2017

Mặc dù Bắc Kinh dùng nhiều phương cách gây ảnh hưởng lên Hà Nội để buộc Hà Nội đi theo quỹ đạo của họ nhưng khác với nhiều nước khác trong khu vực, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam gặp một số hạn chế, một nhà nghiên cứu từ Úc nhận định.

Trung Quốc lâu nay đã dùng tiền bạc để lôi kéo các chính trị gia, định hướng truyền thông và sử dụng đầu tư để gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho họ, nhất là ở các nước và vùng lãnh thổ như Campuchia, Philippines, Úc, New Zealand, và Đài Loan, theo một bài phân tích mới đây của nhà báo Chris Horton đăng trên tờ Atlantic. Trong số đó, Phnom Penh đã trở thành ‘chính phủ thân Bắc Kinh’ nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, trao đổi với VOA về khả năng gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam, ông Carlyle Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Úc và là một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng câu trả lời là vừa ‘có’, vừa ‘không’.

Ông nói việc cả hai nước cùng có Đảng Cộng sản lãnh đạo cho phép Bắc Kinh sử dụng chủ nghĩa xã hội như ‘sợi dây thừng để trói tay Việt Nam’ nhằm buộc Việt Nam vào một chính sách dính kết với Trung Quốc.

Thông qua kênh quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, ông Thayer nói, ‘trong hậu trường Bắc Kinh luôn tìm cách gây sức ép rất lớn lên Việt Nam để nước này không chọn những người bị Bắc Kinh xem là có tư tưởng bài Trung lên làm lãnh đạo’.

“Họ luôn phá hoại những ứng cử viên tiềm năng (mà Bắc Kinh xem là bài Trung) để họ không vào được Ban chấp hành Trung ương và nắm những chức vụ cao hơn,” ông Thayer nói thêm và cho biết việc này thường xảy ra mỗi khi gần đến kỳ Đại hội Đảng.

Tuy nhiên, cách hành xử này cũng có hạn chế vì ban lãnh đạo Việt Nam có thể kháng cự, cũng theo ông Thayer, nếu như có ai đó trong Đảng phàn nàn về cách gây sức ép kiểu này của Trung Quốc.

“Họ (Bắc Kinh) chỉ có thể làm điều này một cách kín đáo và chỉ biết kết quả sau khi diễn ra đại hội,” ông Thayer giải thích.

Trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Thayer cho rằng ‘luôn có cuộc tranh luận không có hồi kết’ về ‘chống đối lại Trung Quốc đến mức nào’ và ‘nhượng bộ đến mức nào’.

“Không có câu trả lời cho câu hỏi này. Do đó chúng ta phải chờ xem nếu có ai đó nổi lên trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng 13 mà có giọng điệu mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông vốn đi ngược lại lập trường giữ im lặng của ban lãnh đạo hiện nay hay không,” ông nói.

Không có phe thân Trung Quốc?

Khi được hỏi có nhân vật nào trong Bộ Chính trị hiện nay được xem là thân Trung Quốc mà qua đó Bắc Kinh có thể vươn cánh tay vào chi phối chính trị Việt Nam hay không, ông Thayer cho rằng ‘không có ai’.

Ông cũng so sánh những tranh cãi về lập trường với Trung Quốc ở Việt Nam với những gì xảy ra ở đất nước Úc của ông: “Cũng giống như ở Úc, có những người lập luận rằng Trung Quốc là một nước lớn (cần giữ quan hệ) nên điều tốt hơn là cần phải có quan hệ tốt, hợp tác và can dự với Trung Quốc hơn là chỉ trích và biến họ thành kẻ thù vĩnh viễn.”

“Cũng có người nói rằng đây là chính sách giống như ngoại giao thực dụng (realpolitik) hơn vì nếu anh làm tổn thương Trung Quốc thì họ sẽ làm tổn thương anh nặng nề.”

“Nếu lập trường đó được xem là ‘thân Trung Quốc’ thì ngay tại đây (Úc) cũng có lập trường y như vậy và nó rất phân cực,” ông cho biết.

Về trường hợp Việt Nam, ứng xử với Trung Quốc càng quan trọng hơn vì hai nước có chung đường biên giới.

Ông Thayer đặt vấn đề rằng một nước với dân số chỉ bằng một tỉnh cỡ vừa của Trung Quốc thì liệu Việt Nam có lợi ích gì khi biến Trung Quốc thành ‘kẻ thù thường trực’ và làm sao Việt Nam có thể gây ảnh hưởng lên một nước láng giềng khổng lồ như vậy?

“Những người này (chủ trương quan hệ tốt với Trung Quốc) không phải là thân Trung Quốc mà họ chỉ là sẵn sàng làm việc với Trung Quốc và tìm cách ảnh hưởng các kênh Đảng, lãnh đạo và quân đội từ trên xuống dưới thực hiện chủ trương này,” ông nói và cho rằng những lãnh đạo kiểu này thấy rằng các kênh quan hệ với Trung Quốc thông qua Đảng và quân đội ‘là rất quan trọng’ đối với Việt Nam vì Việt Nam ‘không có các kênh quan hệ như với những nước khác’.

“Do đó tôi không nghĩ là có ai đó như là ông Hoàng Văn Hoan (Ủy viên Bộ Chính trị bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc sau đào tẩu sang nước này trong thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979) trong Bộ Chính trị ở Việt Nam bây giờ,” ông nói thêm.

Đại sứ quán gây áp lực

Bên cạnh tìm cách tác động lên nhân sự cấp cao, cách ảnh hưởng chính của Bắc Kinh ở Việt Nam ‘chủ yếu thông qua con đường đại sứ quán’, ông Thayer cho biết.

“Họ tiếp tục than phiền và gây sức ép lên Đảng và Chính phủ Việt Nam để họ trấn áp những gì mà trong quan điểm của họ là lên án Trung Quốc và kêu gọi đoàn kết giữa hai nước.”

Ông cũng chỉ ra cách gây ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua giới tinh hoa ở Việt Nam với dẫn chứng là trong cuộc tranh luận về Luật Đặc khu Kinh tế hồi năm 2018 ‘đã có những trí thức Việt Nam có quan hệ với các học viện ở Trung Quốc có liên hệ với Ý tưởng Vành đai Con đường đã sử dụng một số ngôn từ về Vành đai Con đường trong dự thảo bộ luật’.

“Các cơ quan tình báo Trung Quốc còn xây dựng hồ sơ tình báo nhân sự rất chi tiết về các quan chức Việt Nam mà họ gặp gỡ để họ biết được rằng người đó là bạn (hay là thù) của Trung Quốc và họ sử dụng các mối quan hệ này trong các kênh đảng và quân đội,” ông nói.

Về đòn bẩy kinh tế mà Trung Quốc có ở Việt Nam, ông Thayer cho rằng ở Việt Nam có những người muốn làm giàu từ mối quan hệ với Trung Quốc và đưa ra dẫn chứng về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên với đầu tư Trung Quốc mà các quan chức địa phương ủng hộ trong khi các nhà môi trường phản đối và gần đây là việc một số nhà xuất khẩu ở Việt Nam xuất sang Mỹ hàng hóa chủ yếu là ‘Made in China’ trong bối cảnh chiến tranh quan thuế Mỹ-Trung.

Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn có đầu tư từ Trung Quốc và cam kết tham gia vào Ý tưởng Vành đai Con đường nhưng Hà Nội ‘không chỉ muốn quan hệ song phương với Trung Quốc mà còn là quan hệ đa phương với tất cả các cường quốc và đối tác chiến lược lớn’.

Tuy nhiên, ông cũng mô tả quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc là ‘lợi ích lũy tiến giảm dần theo quy mô (diminishing return to scale)' do Việt Nam đang gánh chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Cho nên, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam không có lợi ích nhiều như Campuchia, Philippines, Úc hay New Zealand.

Tâm lý bài Trung

Giáo sư Thayer cũng cho rằng một nhân tố nữa khiến cho quan hệ Việt-Trung không dễ dàng là ‘tâm lý bài Trung độc hại’ (toxic anti-China sentiment) trong công chúng Việt Nam.

Ông nói ví von là nếu như có một công nhân xây dựng làm việc cho dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội (do Trung Quốc xây dựng) bị tử vong khi làm việc thì công chúng Việt Nam ‘sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc’ và đưa ra dẫn chứng về hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc sau chuyển thành bạo loạn hồi năm 2014 và 2018.

“Ý kiến công chúng (Việt Nam) là rất bài Trung Quốc,” ông nói. “Tình cảm bài Trung đó là độc hại. Điều nó có nghĩa là ở một mức độ nào đó, dư luận có thể cản trở (hành động) của các lãnh đạo Đảng Cộng sản.”

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là hồi năm 2015, tức là gần đến Đại hội Đảng lần thứ 12, Việt Nam đã từng đưa ra xét xử công khai một nhà báo bị cáo buộc là ‘làm gián điệp cho Trung Quốc’ (ông Hà Huy Hoàng – phóng viên báo ‘Thế giới và Việt Nam) và ông đánh giá hành động này là ‘đặc biệt khác thường’.

Khi được yêu cầu so sánh về sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia và Philippines, ông Thayer cho rằng ở Campuchia, Bắc Kinh có sức ảnh hưởng đặc biệt vì vai trò đối với hoàng gia Sihanouk và rằng chính phủ Phnom Penh lâu nay chỉ dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc.

Trong khi đó, mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc ‘chỉ dựa vào mỗi Tổng thống Rodrigo Duterte’ còn những chính phủ tiền nhiệm của ông này có lập trường ‘cực kỳ thân Mỹ’.

Việt Nam cũng dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng cần sự hỗ trợ của Liên Xô (trong quá khứ) và một phần cũng vì điều đó mà khi mâu thuẫn Xô-Trung bùng nổ quan hệ Việt-Trung đã trở thành thù địch, ông Thayer nhắc lại quá khứ nhưng không đi vào chi tiết về tình thế hiện tại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG