Đường dẫn truy cập

Làm thế nào để cứu Trương Minh Tuấn?


Ông Trương Minh Tuấn - Photo Thanh tra Chính phủ.
Ông Trương Minh Tuấn - Photo Thanh tra Chính phủ.

Làm thế nào cứu thoát Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn khi áp lực dư luận xã hội và đặc biệt áp lực trong nội bộ đảng đang dâng cao và đòi hỏi Tổng bí thư Trọng không được thiên vị giữa ‘phe ta’ với ‘phe củi’ trong cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ của ông?

‘Tách’ Tuấn khỏi vụ án AVG?

Nếu cuộc chiến trên, vì một ý do đặc biệt, vẫn phải mang cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son ra ‘trảm’, làm thế nào để cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn được ‘tách’ khỏi vụ án ‘MobiFone mua AVG’ và ‘khuôn’ ở một phạm vi xử lý hành chính mà không phải ra tòa hình sự?

Liệu Trương Minh Tuấn có thoát hiểm lần thứ ba, sau hai lần trước đã vượt cạn thành công?

Vào tháng Ba năm 2018, sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’, Trương Minh Tuấn đã thoát hiểm lần đầu, vẫn ‘ung dung tự tại’ trên cái ghế bộ trưởng TT-TT, thậm chí còn được cho xuất hiện trong vài cuộc hội thảo và chủ trì giao ban báo chí hàng tháng để khoe thành tích đã ‘chỉ đạo’ Gooogle và Facebook bóc gỡ gần 7000 nội dung ‘xấu độc’ và ‘phản động’.

Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46 của Bộ Công an, Trương Minh Tuấn thậm chí còn tự tin đến mức đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ - nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.

Trong thời gian trên, cũng phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng ‘chuyên chính vô sản’ này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô - vốn được một tập đoàn trong nước trao tặng - như một cách ‘khắc phục hậu quả’.

Rồi đến Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018… Trách nhiệm cố ý làm trái của Trương Minh Tuấn trong vụ AVG cũng không được quan chức nào hé môi.

Còn Nguyễn Bắc Son?

Không hiểu sao, cái số của Nguyễn Bắc Son lại đen đủi hơn nhiều so với nhà lý luận đỏ Trương Minh Tuấn.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.

Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Gần trung tuần tháng Chín năm 2018 đã xuất hiện một hiện tượng ‘lạ’: website của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đăng bài viết "Thương vụ AVG – Khi Ban Cán sự Đảng bị vô hiệu hóa".

Bài viết trên khá dài, tóm tắt quá trình vụ ‘Mobifone mua AVG’, nhưng phần đánh giá lại có hơi hướng của một ‘cáo trạng’ khi quy kết Nguyễn Bắc Son là ‘độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ đã vô hiệu hóa cả Ban cán sự Đảng’, và là người "chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án để xảy ra nhiều vi phạm."

Với bản ‘cáo trạng’ trên - được phát ra bởi trang web của Ủy ban Kiểm tra trung ương, một cơ quan được xem là cánh tay mặt của Tổng bí thư, xem ra số phận Nguyễn Bắc Son nhiều khả năng sẽ bị ‘cẩu đầu trảm’ mà không thể ‘hạ cánh an toàn’.

Nhưng cứ theo ‘cáo trạng’ trên, Nguyễn Bắc Son mới là kẻ phải chịu trách nhiệm chính, trong khi Trương Minh Tuấn - dù là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG - nhưng chỉ được Son ‘giao cho ký’ chứ không phải chủ mưu hay tòng phạm.

Bên cạnh đó, các thành viên trong BCSĐ, lãnh đạo Bộ lại ngại va chạm, nể nang, né tránh, không dám góp ý phê bình, không mạnh dạn đấu tranh khi người đứng đầu có những biểu hiện vi phạm, đã làm mất tính chiến đấu của tổ chức đảng, thậm chí bị tê liệt, bị vô hiệu hóa. Thực tế trong thời gian qua, UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BCSĐ ở một số Bộ, tỉnh, thành cho thấy hầu hết những vi phạm của BCSĐ đều do người đứng đầu thiếu gương mẫu và có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ, đã dẫn tới nhiều vi phạm, thậm chí vi phạm kéo dài và có hệ thống” - bài "Thương vụ AVG – Khi Ban Cán sự Đảng bị vô hiệu hóa" trên website của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận.

Đã khá rõ là bài viết trên nhằm hướng lái dư luận để quy toàn bộ tội trạng cho riêng ‘người đứng đầu’ là Nguyễn Bắc Son mà không phải là cấp dưới như Trương Minh Tuấn.

Khó mà nghi ngờ rằng tựa đề, độ dài và đặc biệt là phần nội dung lẫn văn phong như thể một bản cáo trạng của bài viết trên không đóng vai trò ‘người phát ngôn của Ủy ban Kiểm tra trung ương’ và không được chỉ đạo bởi ít nhất cấp Trưởng ban Kiểm tra trung ương Trần Cẩm Tú - người thay cho Trần Quốc Vượng khi ông Vượng chuyên trách vị trí Thường trực Ban bí thư để Tổng bí thư Trọng xử lý các đảng văn hàng ngày mà không giao cho quan chức nào khác.

Liệu ông Trọng có nhúng tay chỉ đạo bài viết trên?

Và liệu một trong số những cây viết bảo vệ đảng đã được sử dụng như một thủ thuật ‘tách’ Trương Minh Tuấn khỏi Nguyễn Bắc Son?

Son sắp bị bắt nhưng Tuấn cũng khó thoát?

Nếu căn cứ vào bài viết trên và trong mối tương quan lực lượng hiện thời, thêm một lần nữa có vẻ Trương Minh Tuấn lại thoát hiểm, để trong tương lai gần khi ông Son phải ra trước vành móng ngựa thì Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tuấn sẽ thở phào trong một xó tối nào đó của cơ quan tư tưởng này.

Lần thoát hiểm thứ hai của Trương Minh Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT vào ngày 10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.

Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.

Còn lần này, chỉ có Son dính đạn’.

Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Chẳng quá ngạc nhiên khi khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giam đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’, để dù có bị kỷ luật và bị cách chức thì vẫn có thể ‘hạ cánh an toàn’.

Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về khả năng cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son sắp bị đưa vào ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng, mà cụ thể là triển vọng ông Son có thể bị khởi tố trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ và thậm chí có thể bị tra tay vào còng như cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã từng.

Tuy thế, cuộc chơi vẫn chưa hề kết thúc với Trương Minh Tuấn. Chẳng ai tiên liệu được tương lai.

Dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng mà vẫn rất bấp bênh trong một tương lai không quá xa.

Một yếu tố tâm lý quan trọng cần xét đến là sự thay đổi bất thường trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn để công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’, vô hình trung sẽ khiến ‘uy tín của tổng bí thư bị ảnh hưởng’, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của Nguyễn Phú Trọng trong tương lai có thể bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG