Nhật báo hàng đầu của Trung Quốc nói nước này đang cho thấy ‘sự can đảm hiếm có’ muốn cải tổ trong lúc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, và nhạo báng truyền thông ngoại quốc vì đã thổi bùng những mối lo ngại rằng những biến động thị trường chứng khoán gần đây có thể báo trước sự kết thúc của mô hình quản lý kinh tế của Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán xuống dốc đã làm tăng lên những lo ngại về nền kinh tế bất định ở Trung Quốc, với giá cổ phiếu rớt 25% trong hơn một tuần trước khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và tiếp tục nới lỏng cho vay ngân hàng vào thứ Ba.
Trong bài bình luận đăng hôm thứ Năm với bút danh “Trung Thanh”, nghĩa là “Tiếng nói Trung Quốc”, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản cầm quyền đả kích những người tiên đoán ngoại quốc vì nói rằng hệ thống kinh tế của nước này sẽ bị rúng động đến tận cốt lõi.
Tờ báo viết: “Một số người trên thế giới đã vội vàng nói về cái gọi là kết thúc mô hình Trung Quốc, hay một cuộc khủng hoảng tài chính thầm kín ở Trung Quốc”.
“Dĩ nhiên, dân chúng Trung Quốc đã không còn lạ gì lối suy nghĩ đầy định kiến trong công luận phương Tây”, tờ báo viết thêm, và nêu ra rằng các nhà bình luận về kinh tế Mỹ đã tỏ ra ít bi quan hơn nhiều khi quả bong bóng dot.com (ám chỉ kỹ thuật thông tin) nổ ra vào đầu thập niên 2000.
Tờ báo viết: “Trung Quốc đang dành sự can đảm hiếm có để cải tổ sâu rộng hơn một cách toàn diện. Thế giới cũng cần phải cải tổ quan điểm của mình về Trung Quốc”.
Những động thái gần đây nhất của ngân hàng trung ương chưa đủ để thuyết phục các nhà đầu tư vào khả năng của Bắc Kinh thúc mạnh nền kinh tế bật ra khỏi suy thoái. Một số kinh tế gia ước tính mức tăng trưởng hiện tại có thể chỉ bằng nửa mục tiêu của chính quyền đề ra là 7%.
Các bài bình luận bằng tiếng Anh của truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn chủ yếu nhắm vào độc giả ngoại quốc, cũng chỉ trích thói quen của phương Tây chuyên thổi phồng những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Tờ Global Times, một tờ báo chuyên về những loại tin giật gân được nhiều người đọc và có nhiều ảnh hưởng, do Nhân dân Nhật báo ấn hành, nói trong một bài xã luận rằng bất kỳ khái niệm nào cho rằng suy thoái sẽ làm suy yếu tính chính đáng của đảng thì đều là “sự ảo tưởng”.
Tờ báo nói: “Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán cũng giống như một cơn sốt, nhưng truyền thông ngoại quốc lại mô tả nó như căn bệnh ung thư. Nếu là như thế, sự chao đảo thị trường 7 năm về trước đã kết thúc mô hình Trung Quốc rồi”.
Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã trong bài bình luận tiếng Anh của mình hôm thứ Tư nói “biến động thị trường sẽ không kéo dài” và những người lạc quan về Trung Quốc cần có thêm thời gian để chứng minh là họ đúng.
Tân Hoa Xã viết: “Chỉ những nhà đầu tư có cái nhìn khách quan về kinh tế Trung Quốc mới có thể vượt qua biến động và gặt hái lợi ích cho mình”.
Nhưng một bài bình luận được phổ biến rộng rãi hồi tuần rồi trên truyền thông nhà nước, bao gồm đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Quang Minh Nhật báo, một tờ báo đảng nhắm vào các trí thức, chỉ ra sự kháng cự trong nước về cách giải quyết của chính quyền về kinh tế và những cải cách rộng lớn.
Bài bình luận viết nhân dân phải ý thức hơn rằng những thúc đẩy cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn sẽ đụng đến những vấn đề sâu về chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc, và đương đầu với vấn đề cơ bản là làm cho “huyết mạch của nền kinh tế khổng lồ này” trở nên lành mạnh hơn.
Bài báo nói thêm: “Tầm cỡ khó khăn”, sự ác liệt và phức tạp của việc chống đối cải cách "có thể vượt ra khỏi sự tưởng tượng của nhân dân".