Tân tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã nhân một hội nghị khu vực ở Trung Quốc hôm nay lập lại lời kêu gọi phe Taliban tham gia một cuộc đối thoại hoà bình dân tộc và hối thúc các đối tác quốc tế của Afghanistan ủng hộ điều ông gọi là một tiến trình của người Afghanistan và do Afghanistan lãnh đạo. Các phần tử nổi dậy đã bác bỏ đề nghị hoà đàm của ông Ghani và thay vì thế lại tăng cường các cuộc tấn công khắp nước. Từ Islamabad, thông tín viên VOA Ayaz Gul gửi về bài tường thuật.
Bắc Kinh đang chủ trì hội nghị thường niên của cái được gọi là “Tiến trình Trái tim châu Á/ Istanbul,” nơi các ngoại trưởng và đại diện cấp cao của các nước xung quanh Afghanistan tề tựu để thúc đẩy hoà bình và tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này sau khi NATO chấm dứt sứ mạng tác chiến vào tháng 12.Tổng thống Ashraf Ghani, hiện đang có mặt tại Trung Quốc thực hiện chuyến công dụ đầu tiên, đã phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị khu vực:
“Hoà bình là ưu tiên cao nhất của chúng tôi. Chúng tôi mời phe đối lập chính trị, nhất là Taliban tham gia cuộc đối thoại giữa người Afghanistan với nhau và yêu cầu tất cả các đối tác quốc tế hỗ trợ cho một tiến trình hoà bình của người Afghanistan và do người Afghanistan lãnh đạo.”
Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất ở Afghanistan nhưng các nỗ lực được tăng cường để quảng bá cho an ninh Afghanistan cũng xuất phát từ các mối quan ngại rằng sự bất ổn ở nước láng giềng có thể nuôi dưỡng cho cuộc nổi dậy của người Uighur theo Hồi giáo ở vùng biên giới Tân Cương miền tây đầy bạo động.
Nhà cầm quyền Trung Quốc nghi các phần tử đòi ly khai có liên hệ với các phần tử chủ chiến Hồi giáo đã cố thủ trong những khu vực hay có biến động ở Afghanistan và lân quốc Pakistan.
Tổng thống Ghani cam kết nước ông sẽ không cho phép bất cứ ai dùng lãnh thổ Afghanistan để chống lại một quốc gia khác:
“Chúng ta không được và sẽ không cho phép các nhóm theo đuổi những ảo tưởng hão huyền là sử dụng đất nước chúng ta làm chiến trường hay bệ phóng chống lại hệ thống quốc tế.”
Phe Taliban đã bác bỏ đề nghị hoà đàm của Tổng thống Ghani, và thay vì thế lại tăng cường bạo động khắp nước trong tháng vừa qua.
Người phát ngôn của phe này là Zabihullah Mujahid nói với đài VOA rằng Taliban bất bình về việc ông Ghani vội vã ký một thoả thuận an ninh với Hoa Kỳ cho phép khoảng 10 ngàn binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014.
Ông lên án tân tổng thống Afghanistan là phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và nhấn mạnh rằng phe Taliban không “muốn mất thời giờ đàm phán với một chính quyền ở Kabul không có thực quyền.”
Các giới chức Afghanistan lâu nay vẫn cáo buộc lân quốc Pakistan là hỗ trợ cho phe nổi dậy Taliban và che chở các thủ lãnh của phe này.
Islamabad phủ nhận các cáo nuộc và nhấn mạnh rằng việc Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul qua vũ lực gây thiệt hại cho các quyền lợi an ninh của Pakistan.
Trong khi phát biểu trước cuộc họp ở Bắc Kinh, Tổng thống Ghani không nêu danh bất cứ nước nào:
“Chúng tôi quyết tâm lãnh đạo và làm chủ tiến trình hoà bình qua một cuộc đối thoại giữa người Afghanistan với nhau. Chúng tôi yêu cầu các nước láng giềng và các đối tác hỗ trợ cho chúng tôi trong tiến trình cấp thiết này bằng cách thông tin liên lạc một cách rõ ràng và thẳng thắn nếu họ có khả năng và thiện chí trợ giúp.”
Nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đã hành động về nhiều lời hứa chính yếu lúc tranh cử kể từ khi ông lên nhậm chức hồi cuối tháng trước, nhưng việc quảng bá cho hoà giải chính trị với phe Taliban dường như là thách thức to lớn nhất mà ông Ghani phải đối diện.
Ông vẫn chưa thành lập được chính phủ đoàn kết quốc gia trong đó ông sẽ phải chia quyền với trưởng ngành hành chính mới là ông Abdullah Abdullah, người về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cả hai nhà lãnh đạo có các quan điểm khác nhau về cách đối phó với Taliban và đã có những mối lo ngại rằng sự chia rẽ chính trị nội bộ trong chính phủ đoàn kết có thể khiến cho phe Taliban táo báo hơn trong việc tăng cường chiến dịch bạo động để tìm cách nắm quyền.
Ông Mohammad Ismail Qasemyar là một thành viên của Hội đồng Hoà bình Tối cao Afghanistan mà người tiền nhiệm của Tổng thống Ghani là ông Hamid Karzai đã thành lập để mưu tìm một giải pháp chính trị với phe Taliban. Ông nói các rủi ro rất cao cho cả hai nhà lãnh đạo khi họ hứa hẹn một nước Afghanistan hoà bình trong thời gian vận động tranh cử. Ông nói:
"Tất cả chúng ta đều tin rằng một nền hoà bình lâu dài ở Afghanistan, cũng như an ninh và ổn định đều rất cấp thiết, và cho dù họ đã hứa hẹn những gì thì họ cũng sẽ không thể nào thực hiện được trừ phi có hoà bình và an ninh ở Afghanistan. Vì thế họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể được để thúc đẩy hoà giải dân tộc.”
Phát biểu tại cuộc họp hôm nay ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định rằng Trung Quốc đặt lòng tin vào khả năng của Kabul giải quyết các vấn đề riêng của mình và kêu gọi hỗ trợ cho các nỗ lực của Afghanistan để thực hiện an ninh và ổn định. Ông nói cộng đồng quốc tế nên tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan.
Nói chuyện với các phóng viên vào ngày trước hội nghị khu vực, một giới chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn nêu danh tính hoan nghênh việc Trung Quốc ngày càng can dự nhiều hơn vào Afghanistan. Theo ý ông, Hoa Kỳ nay coi Trung Quốc có một “vai trò quan trọng” trong khu vực, và coi Afghanistan là một lãnh vực hợp tác thực sự với Trung Quốc, chứ không phải là một lãnh vực cạnh tranh.
Các giới chức Mỹ và Afghanistan cũng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ vận dụng các quan hệ chiến lược thân cận vốn có từ trước tới nay với Pakistan để thuyết phục nước này tiễu trừ các phần tử cực đoan hồi giáo bị tố cáo là nuôi dưỡng cuộc nổi dậy của Taliban ở Afghanistan.