Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama bỏ lệnh trừng phạt Myanmar


Tổng thống Barack Obama bắt tay bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, 14/9/2016.
Tổng thống Barack Obama bắt tay bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, 14/9/2016.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón tiếp lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc với một số tin vui cho bà và cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn của nước bà sau mấy chục năm bị cô lập. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc Cindy Saine của đài VOA tường trình rằng cả hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng còn nhiều việc cần phải làm trong mục tiêu cải cách dân chủ và nhân quyền ở Myanmar, nhưng nước này đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể so với khi ông Obama thăm bà Suu Kyi còn bị giam giữ tại gia cách đây mấy năm.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nhưng cuộc họp lần này diễn ra trong một bối cảnh khác.

Ông Obama nói: "Nếu cách đây 5 năm quý vị dự đoán rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đến đây trong tư cách là một đại diện dân cử của nước bà, nhiều người có lẽ không tin. Kết quả này là một tin phấn khởi trong một thời kỳ mà chúng ta thấy khá thường xuyên các nước đi theo chiều ngược lại."

Sau cuộc họp hôm thứ Tư 14/9 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama loan báo một tin quan trọng:

"Hoa Kỳ nay chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp dụng đối với Miến Ðiện trong một thời gian khá dài. Đó là một việc đúng cần phải làm để bảo đảm rằng người dân Miến Ðiện được hưởng thành quả của cách làm mới."

Bà Aung San Suu Kyi cám ơn Tổng thống Obama và Quốc hội đã thực hiện các lệnh trừng phạt đối với quân đội Miến Ðiện để khuyến khích dân chủ, nhưng bà nói bây giờ đã đến lúc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó.

Bà Suu Kyi cho biết: "Đoàn kết cũng cần có thịnh vượng, bởi vì khi người dân phải lo tranh giành nhau các nguồn tài nguyên hạn chế, họ sẽ quên đi điều quan trọng là phải đoàn kết với nhau."

Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi người dân Mỹ đi du lịch và đầu tư vào Myanmar – đất nước xinh đẹp và phong phú về di sản văn hóa.

Nhưng một số nhà lãnh đạo về nhân quyền lên tiếng khuyến cáo về việc dỡ bỏ chế tài hoàn toàn. Họ nêu ra các thành tích lẫn lộn về nhân quyền của Myanmar và các chính sách bất nhất của nước này đối với người Rohingya, một trong những nhóm sắc tộc thiểu số được xem là bị đối xử tồi tệ nhất trên thế giới.

Phát biểu về xung đột sắc tộc, bà Aung San Suu Kyi nói rằng bà muốn mọi người là công dân có đầy đủ quyền công dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG