Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ dành nguyên ngày đầu tiên trong chuyến thăm lịch sử đến Cuba hôm nay (21/3) cho các cuộc hội đàm trực diện với Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong khi hai bên tiến tới việc “khép lại trang lịch sử” về hơn 5 thập niên thù nghịch Chiến tranh Lạnh.
Cuộc hội kiến ở Dinh Cách mạng La Habana là lần gặp gỡ thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo trong mấy năm vừa qua, trong đó có một lần gặp chớp nhoáng tại tang lễ của ông Nelson Mandela ờ Nam Phi vào năm 2013, và một cuộc họp thượng đỉnh khu vực ở Panama hồi tháng 4 năm ngoái. Ông Obama và ông Castro sẽ chào mừng nhau đêm nay tại một quốc tiệc ở dinh chủ tịch.
Người ta đã đặc biệt chú ý đến sự vắng mặt của Chủ tịch Cuba vào lúc ông Obama bước ra khỏi phi cơ riêng chiều Chủ nhật để bước xuống đường băng tại Sân bay Jose Marti. Ông Obama là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến Cuba từ gần 90 năm nay. Thay vì thế, Ngoại trưởng Bruno Rodriguez đã hướng dẫn một phái đoàn nhỏ của Cuba để nghênh đón ông Obama cùng phu nhân và hai cô con gái Sasha và Malia, cùng với thân mẫu của đệ nhất phu nhân Michelle, bà Marian Robinson.
Người đứng đầu phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Cuba, tham tán Jeffrey DeLaurentis, cũng có mặt để nghênh tiếp gia đình ông Obama.
Tháp tùng ông Obama là một phái đoàn các nhà lập pháp của cả hai đảng, các cấp quản trị công ty và những người Mỹ gốc Cuba nổi tiếng. Ông sẽ gặp các nhà doanh nghiệp Cuba trong ngày hôm nay, sau cuộc hối kiến ông Castro – để thảo luận về quan hệ doanh thương giữa Hoa Kỳ và Cuba.
Ngay khi đến nơi, ông Obama đã được đưa bằng xe hơi đến khách sạn Melia ở La Habana để gặp nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ và gia đình họ. Ông nói với ban nhân viên rằng chuyến thăm của ông là “một cơ hội lịch sử để giao dịch trực tiếp với dân chúng Cuba”, và nói thêm rằng việc mở lại đại sứ quán “có nghĩa là chúng ta sẽ có khả năng hữu hiệu hơn để thúc đẩy các giá trị, các quyền lợi của chúng ta và thấu hiểu hữu hiệu hơn những mối quan tâm của nhân dân Cuba”.
Gia đình Obama cũng đã đi bộ thăm khu Phố cổ lịch sử của La Habana dưới trời mưa tầm tã, và ngừng lại dọc đường để gặp đức Hồng y Jaime Ortega tại nhà thờ lịch sử của thành phố.
Dưới trời mưa như trút nước, cư dân La Habana Miguel Angel đã đứng cùng với hàng chục cư dân khác trong khu phố, các du khách và ký giả cố gắng để nhìn được tổng thống qua một rừng ô dù. Anh Angel nói: “Chúng ta phải chờ xem có thấy được sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” với chuyến công du này hay không.
Chuyến thăm Cuba trong 3 ngày của ông Obama gồm một bài phát biểu được truyền hình tại La Habana vào ngày mai, trong đó ông sẽ phác họa triển vọng về tương lai của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, và dự một trận bóng chày biểu diễn giữa đội tuyển quốc gia Cuba và đội bóng Tampa Bay Rays của Liên đoàn Bóng chày Mỹ.
Tòa Bạch Ốc cho hay chuyến công du 3 ngày của ông Obama tiêu biểu cho một khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, mở rộng việc phục hồi chính thức quan hệ ngoại giao bắt đầu cách đây 8 tháng.
Ông Obama đã đặt việc tái thiết lập bang giao với Cuba trong vị trí là một trong những thành tựu ngoại giao đặc biệt của chính quyền ông, với lập luận rằng chính sách cô lập Cuba từ mấy chục năm này đã thất bại.
Bài phát biểu của ông Obama trước nhân dân Cuba sẽ là một cơ hội để nhìn lại vào lịch sử phức tạp của hai nước, theo nhận định do phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes đưa ra với các phóng viên trong một cuộc họp báo trước bài phát biểu.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng dự định gặp các thành viên trong xã hội dân sự Cuba, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền, bất chấp sự phản đối của chính phủ ở La Habana.
Chính phủ Cuba mới đây đã phóng thích một số tù nhân chính trị và đã có một số biện pháp nhỏ để mở rộng việc tiếp cận Internet. Nhưng một bản phúc trình năm 2015 của tổ chức Human Rights Watch nhận thấy chính phủ Cuba “tiếp tục dựa vào việc bắt giữ tùy tiện để sách nhiễu và đe dọa các cá nhân thực thi quyền cơ bản của họ”.
Bản phúc trình nhận thấy những vụ bắt giữ tùy tiện đã gia tăng kể từ khi bắt đầu tan băng trong quan hệ ngoại giao, với số vụ việc tăng từ 2.900 lên đến 7.188 vụ trong năm đầu tiên sau khi chính quyền thông báo việc nối lại bang giao. Sự tan băng trong quan hệ có thể là một cơ hội để chính phủ Cuba xét lại các luật lệ trong nước về kiểm duyệt, tự do Internet và tự do hội họp.
Những mối quan ngại tiếp tục về những vụ vi phạm nhân quyền của Cuba đã khiến một số đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ cực lực chỉ trích chuyến đi của ông Obama.
Khi nói về Chủ tịch Cuba Raul Castro và người anh của ông này là anh hùng cách mạng Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan nói hôm thứ Sáu rằng: “Đây là một chế độ cung cấp sự bao che cho các phần tử khủng bố và những kẻ bị truy nã”.
Ông Ryan nói ông nghi ngờ về việc liệu ông Obama có đề cập đầy đủ đến sự cần thiết phải cải cách ở Cuba hay không. Ông cũng nhắc nhở các phóng viên rằng bất kể những cố gắng của ông Obama trong việc loan báo các thỏa thuận thương mại mới, lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Cuba “vẫn y nguyên và đang được thực thi”, gần 60 năm sau khi có hiệu lực.
Chỉ có một cuộc biểu quyết với số phiếu đa số tại Quốc hội mới bãi bỏ được lệnh cấm vận thương mại với Cuba, và một quyết định như thế có phần chắc sẽ khó thành trong khi đảng Cộng hòa nắm thế đa số kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Các chuyên gia phân tích nói chuyến công du của tổng thống có thể giúp thúc đẩy chính phủ Cuba thực hiện những thay đổi.
Ông Marc Hanson thuộc Văn phòng Mỹ Latin tại Washington, một tổ chức ủng hộ nhân quyền, nói: “Dân chúng Cuba cần phải chủ động để điều này có tác dụng, và dân chúng Cuba đang tham gia một cách tự do hơn vào nền kinh tế. Họ cần phải tham gia cả vào chính sự nữa”.
Sự thành công của chuyến công du của tổng thống tùy thuộc phần lớn vào việc làm cho việc mở cửa với Cuba không thể đảo ngược được, theo ông William LeoGrande, một chuyên gia về châu Mỹ Latinh và cựu khoa trưởng trường Công vụ của đại học American.
Là tác giả cuốn sách có tựa là Back Channel to Cuba: The Hidden History of Negotiations Between Washington và Havana, tạm dịch là Cửa hậu đến Cuba: Lịch sử Bí mật về các cuộc thương nghị giữa Washington và La Habana, ông LeoGrande nói ông Obama phải chứng tỏ rằng việc giao tiếp của ông với Cuba “đem lại những kết quả, để vị tổng thống kế nhiệm, cho dù là ai đi nữa, sẽ nhìn vào những gì ông Obama đã làm với Cuba và nói rằng “Việc này có tác dụng. Có lợi cho quốc gia. Có hiệu quả hơn so với chính sách cũ và do đó không có lý do để đi ngược trở lại”.
Theo ông Hanson, mặc dầu chuyến thăm của tổng thống sẽ đánh dấu một khúc quanh chủ chốt trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba, đó sẽ chỉ là khởi đầu của một tiến trình lâu dài để phục hồi quốc gia này sau nhiều thập niên cô lập. Ông nói thêm: “Cải cách với Cuba sẽ giúp tạo dựng một mối quan hệ với Cuba, nơi dân chúng Cuba sẽ được đóng một vai trò lớn hơn trong định mệnh của mình và chính phủ Cuba sẵn sàng mở thêm không gian cho dân chúng làm mội việc”.
Tòa Bạch Ốc vừa loan báo sẽ nới lỏng các hạn chế về du hành và thương mại với Cuba. Những thay đổi về luật lệ cho phép thực hiện các chuyến thăm giữa nhân dân hai nước, bãi bỏ một lệnh cấm các giao dịch tài chính của Cuba thông qua các ngân hàng của Hoa Kỳ và cho phép công dân Cuba được nhận lương ở Hoa Kỳ.
Bà Michelle Obama sẽ gặp các nữ sinh viên Cuba trong thời gian bà ở La Habana và cả gia đình sẽ dự một trận bóng chày trước khi về nước vào cuối ngày mai để đi thăm Argentina trong 3 ngày.