Thủ tướng của Việt Nam hy vọng sẽ tìm ra lời đáp cho Đông Nam Á về vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong việc giúp khu vực này chống lại sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc ở vùng biển đang có tranh chấp.
Tuần tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ôngTrump nhậm chức tổng thống hồi tháng 1. Các tuyên bố về thương mại và hàng hải ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp có nhiều khả năng sẽ nằm trong nghị trình của thủ tướng Phúc.
Các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau nhau ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố giành chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển mà họ gọi là Nam Hải này.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của ôngTrump, với chính sách "xoay trục sang châu Á", đã giúp các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ hướng đi của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề này.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Washington, thủ tướng Việt Nam mong muốn khám phá các kế hoạch và mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á trên phạm vi rộng lớn hơn."
Ông Hiebert nói: "Việt Nam cũng muốn tìm hiểu chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Đông và các hoạt động của Trung Quốc ở đó, đặc biệt vào thời điểm Washington đang hướng tới Bắc Kinh nhằm kìm chế các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.”
Trung Quốc liên tục gây lo lắng cho các nước Đông Nam Á bằng cách đưa các tàu tuần duyên tới các vùng đặc quyền kinh tế 3,5 triệu km vuông và xây dựng các đảo nhân tạo, và cơ sở hạ tầng cho các hệ thống radar và máy bay chiến đấu.
Năm ngoái, ông Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng cường tập trận hải quân chung với Philippines vào năm 2014, và cảnh báo Trung Quốc rằng tàu thuyền của Hoa Kỳ sẽ tự do đi lại trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - tất cả những điều đó đã làm Bắc Kinh tức giận và phẫn nộ trước vai trò của Hoa Kỳ trong vùng biển mà Washington không có tuyên bố chủ quyền, nhưng lại khẳng định quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc sử dụng các chứng cứ lịch sử để tuyên bố giành 95 % diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu tài nguyên thủy hải sản và nhiên liệu hóa thạch.
Ông Trump đang cố gắng làm việc với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng vũ khí của Bắc Triều Tiên, quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính của Bắc Kinh. Một số nhà phân tích nói rằng ông Trump có thể đã tạm thời ngưng việc can thiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề tranh chấp hàng hải, để có thể duy trì mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ thường xem như là một đối thủ hậu Chiến tranh Lạnh trên sân khấu chính trị toàn cầu.
Ông Frederick Burke, đối tác của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Họ không thực sự cần phải nói, nhưng điều rất quan trọng là khu vực (Đông Nam Á) đang chứng kiến Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường quan hệ trong khu vực.”
Các chuyên gia tin rằng Việt Nam muốn Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn để bù đắp cho mối quan hệ thương mại và kinh tế đang ngày càng bất lợi cho Việt Nam, do bị ảnh hưởng từ cựu thù Trung Quốc.
Để giảm ảnh hưởng của Washington, Trung Quốc tăng cường đối thoại song phương với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Đôi khi Bắc Kinh cung cấp cho các nước khác trong khu vực các khoản viện trợ và đầu tư, cũng như khuyến khích du khách Trung Quốc đi du lịch ở Việt Nam.
Về những vấn đề khác, Thủ tướng Việt Nam, người nhậm chức vào năm ngoái, dự kiến sẽ nhắc Chính phủ Trump về một cam kết của Mỹ trong việc tẩy rửa chất độc Da cam. Hoa Kỳ đã phun thuốc khai quang trên diện tích khoảng 18 triệu km vuông trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1972.
Các nhà phân tích tin rằng ông Phúc chắc chắn sẽ bàn với chính quyền của ông Trump về cam kết vào tháng 1về việc đàm phán một thoả thuận thương mại tự do song phương có thể thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đươc cho là quốc gia sẽ hưởng lợi khi trở thành thành viên hiệp đinh cắt giảm thuế quan TPP bởi vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Washington đã rút khỏi hiệp định TPP vào tháng 1, sau 1 năm ký kết, nhưng ông Trump cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét các thỏa thuận riêng với từng quốc gia, nếu Hoa Kỳ thấy thỏa thuận này có lợi cho người Mỹ.