Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và khởi sự tiến trình dời chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv, một diễn tiến đang khơi lên phản ứng tiêu cực từ phần còn lại của thế giới.
Ông Trump phát biểu trong một bài diễn văn đọc hôm thứ Tư 6/12:
“Jerusalem không những là tâm điểm của 3 tôn giáo lớn, mà còn là trái tim của một trong những nền dân chủ thành công nhất trên thế giới.”
Ông Trump nói tiếp: “Trong 7 thập niên qua, nhân dân Israel đã xây dựng một quốc gia nơi mà người Do thái, Hồi giáo, Ky tô giáo, và những người thuộc đủ mọi tín ngưỡng được tự do sống và thờ phượng, theo lương tâm và niềm tin tín ngưỡng của họ.”
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn duy trì cam kết sâu sắc với nỗ lực giúp tạo điều kiện cho một hiệp định hòa bình khả dĩ ‘được cả Israel và người Palestine chấp nhận’.
Ông nói: “Tôi dự định sẽ làm tất cả những gì có thể làm được trong quyền hạn của mình để giúp đạt được một hiệp định như vậy.”
Các nước Ả rập và các nước Hồi giáo trước đó cảnh báo rằng quyết định gây tranh cãi này có thể làm bùng nổ căng thẳng trong khu vực, và phá vỡ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa thế giới Ả rập với Israel.
Người Palestine kêu gọi tổ chức 3 “Ngày Thịnh Nộ” để phản đối kế hoạch của ông Donald Trump.
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức một buổi họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phối hợp cách đáp ứng.
Iran mô tả động thái này là “sai trái, không chính đáng, khiêu khích và hết sức nguy hiểm.”
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu không hề đề cập tới vấn đề này khi ông xuất hiện trước công chúng hôm thứ Tư 6/12.
Chính quyền của Tổng thống Trump mạnh mẽ bênh vực bước hành động này, nói rằng ông Trump chỉ thừa nhận một sự thực lịch sử và cận đại. Động thái này còn giúp ông Trump thực hiện lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, vốn được các ủng hộ viên theo phái Phúc Âm và Do thái giáo hậu thuẫn.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson hôm thứ Tư nói Hoa Kỳ vẫn tin là “có cơ hội rất tốt cho hòa bình” giữa Israel và người Palestine.
Lên tiếng tại Bruxelles, Ngoại Trưởng Tillerson nói ông Trump “rất cam kết với tiến trình hòa bình Trung Đông” và ông đã dàn xếp một toán đặc nhiệm cho việc này. Toán này đang làm việc hết sức cần mẫn.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ hối thúc mọi người nên “lắng nghe một cách cẩn thận và toàn bộ” bài diễn văn của ông Trump.
Các giới chức nói Tổng thống Trump đã chỉ thị Bộ Ngoại giao khởi sự lên kế hoạch để dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Họ nói rằng tiến trình này có thể kéo dài nhiều năm, trước hết để tìm một địa điểm, tìm nguồn tài trợ, và xây cất một tòa nhà mới. Cho tới lúc đó, ông Trump sẽ ký lệnh hoãn lại việc di dời tòa đại sứ, như các Tổng thống Mỹ vẫn làm từ bấy lâu nay.
Hôm thứ Ba, ông Trump đã điện đàm với Tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, và ít nhất 3 nhà lãnh đạo khu vực khác để giải thích quyết định của ông.
Theo một đạo luật được Tổng thống Bill Clinton ký năm 1995, phải dời tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem trừ phi Tổng thống ký lệnh trì hoãn. Tất cả các vị Tổng thống Mỹ từ sau Tổng thống Clinton, đều ký lệnh này, kể cả ông Trump.
Một số giới chức ở Washington bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực, nhắm vào các quyền lợi của Israel và Mỹ trong khu vực.
Tổng Lãnh sự Mỹ đã chỉ thị hạn chế du hành đối với các nhân viên chính phủ và gia đình của họ, khuyến cáo họ tránh tới khu phố cổ Jerusalem và vùng Bờ Tây – kể cả Bethlehem và Jericho, giữa lúc đang có nhiều lời kêu gọi biểu tình.
Các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới đã được lệnh phải siết chặt an ninh.