Mỹ hôm thứ Sáu cho biết họ đang áp đặt gói chế tài "lớn nhất từ trước tới giờ" lên Triều Tiên, tăng cường áp lực lên quốc gia cô lập này để buộc họ từ bỏ các chương trình hạt nhân và phi đạn, và Tổng thống Donald Trump cảnh báo về "giai đoạn hai" mà có thể là "rất, rất không may cho thế giới" nếu các bước này không thành công.
Nỗ lực giải quyết thách thức an ninh quốc gia lớn nhất của chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ loan báo chế tài một người, 27 công ty và 28 chiếc tàu, theo thông cáo trên website của Bộ.
Triều Tiên đang phát triển một phi đạn gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới lục địa của Mỹ. Ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã xỉ vả nhau qua lại và khơi lên lo sợ chiến tranh sẽ bùng nổ.
Vào tháng 8 năm ngoái ông Trump đã đe dọa sẽ đi xa hơn những chế tài bằng cách trút "lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến," dù chính quyền của ông nhiều lần nói rằng họ muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, ông Trump dường như nhắc đến các lựa chọn quân sự mà chính quyền của ông ta đã nhiều nói là vẫn đang được cân nhắc.
"Nếu chế tài không đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ phải chuyển sang giai đoạn hai," ông Trump nói. "Giai đoạn hai có thể là một điều rất khó khăn, có thể là rất, rất không may cho thế giới. Nhưng hy vọng chế tài sẽ có hiệu quả."
Những mục tiêu chế tài bao gồm một người mang hộ chiếu Đài Loan, cũng như các công ty vận tải và năng lượng của Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Những hành động này phong tỏa các tài sản mà họ nắm giữ ở Mỹ và cấm công dân Mỹ giao dịch với họ.
Bộ Tài chính nói các chế tài này được vạch ra nhằm gây gián đoạn hoạt động của các công ty buôn bán và vận tải của Triều Tiên và tàu của Triều Tiên và cô lập Bình Nhưỡng thêm nữa. Chúng cũng nhắm vào các tàu được đặt, đăng ký hoặc gắn cờ ở Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Quần đảo Marshall, Tanzania, Panama và quần đảo Comoros.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói trong một thông cáo rằng các chế tài này sẽ giúp ngăn chặn Triều Tiên lách các hạn chế về buôn bán than và nhiên liệu thông qua "các hoạt động hàng hải có tính chất tránh né."
Mỹ đang dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm thắt chặt các chế tài đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình phát triển vũ khí và phi đạn.
Tại một cuộc họp báo khác ở Washington, ông Mnuchin đứng bên cạnh những bức ảnh phóng to mà ông nói là những hình ảnh chụp vào tháng 12 năm 2017 cho thấy hoạt động chuyển nhiên liệu và các sản phẩm khác từ một chiếc tàu sang một chiếc tàu của Triều Tiên nhằm tránh chế tài.
"Việc này có tác động rất lớn. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn những vụ chuyển hàng từ tàu này sang tàu kia," ông Mnuchin nói.
Washington "cũng đưa ra một khuyến cáo cho công chúng về những nguy cơ chế tài đáng kể đối với những người tiếp tục tạo điều kiện đưa các chuyến hàng đến và đi khỏi Triều Tiên."
Các chế tài cứng rắn hơn có thể phương hại tới sự hòa hoãn mới nhất giữa hai miền Triều Tiên, được thể hiện qua sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông ở miền Nam, trong bối cảnh đang có những chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh khả dĩ giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gợi ý về một gói trừng phạt như vậy cách đây hai tuần trong một chặng dừng chân tại Tokyo trước chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội Pyeongchang.
Triều Tiên năm ngoái đã tiến hành hàng chục vụ phóng phi đạn và vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu và lớn nhất của họ thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Họ bênh vực các chương trình vũ khí này là thiết yếu để răn đe hành vi gây hấn của Mỹ.