Đường dẫn truy cập

Từ biệt Athens, đến với Rome


Đền Parthenon in bóng hoàng hôn trên đỉnh đồi Acropolis ở Athens.
Đền Parthenon in bóng hoàng hôn trên đỉnh đồi Acropolis ở Athens.
Bụng đã no, quay ngoại cảnh xem như cũng tạm ổn, tôi quyết định quay về khách sạn tìm cho được người Việt tỵ nạn ở Athens để hoàn thành sứ mạng được giao phó. Tôi nghĩ trong đầu thôi để thủng thẳng đến chiều mình đi quay cảnh Acropolis cũng được.

Acropolis, hay ngôi đền cổ xưa nhất của nhân loại, được xây lên từ trước Công nguyên thường được cho là biểu tượng của nền văn minh phương Tây với những cột đá, giàn kèo được chạm trổ tinh vi, trải qua hàng ngàn năm, nay vẫn đứng sừng sững trên ngọn đồi Acropolis nằm ngay trung tâm thủ đô Athens. Hầu hết những ai đến Athens cũng đều đến nơi này để thấy được sự văn minh của nhân loại. Tôi cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.

Có khác chăng vì mục đích chính của tôi đến Athens là để tìm người Việt nên tôi phải lo làm việc đó trước chứ nếu không tôi sẽ tiếp tục hành trình khám phá của mình. Nói thật không có gì sánh bằng khi mình từng bước một cảm nhận được sự khác biệt của nơi mình vừa đặt chân đến. Nhất là ở những thành phố cổ xưa như Istanbul hay Athens. Quẹo qua một góc đường là cảnh tượng hoàn toàn khác. Phố cổ nằm sát cạnh những toà nhà hiện đại nhất. Đây là “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” nhưng kia là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.

Từ con người, cách ăn mặc, giọng nói, cho đến cách họ trình bày, kiến trúc nhà cửa, mỗi nơi đều mang đậm dấu ấn của địa phương, không nơi nào giống nơi nào và đó chính là điều làm cho tôi luôn có cái thú thích đi du lịch kiểu tây ba lô này. Mặc dù cũng phải thú thật là đã qua lâu rồi cái tuổi hai mươi mấy ấy. Và lần này tôi đi dã chiến lý do chính là vì tôi muốn tiết kiệm tiền cho trung tâm chứ không phải vì tôi muốn phong trần như thời còn trai trẻ.

Trở về khách sạn điều đầu tiên tôi làm là lên mạng. Nhưng rất tiếc sau gần 12 tiếng kể từ lúc tôi đăng đàn, hình như không một ai thèm đếm xỉa gì đến lời ngỏ rất chân thành của tôi. Thế thì đành phải tìm đường khác vậy. Có hai cách, tôi nghĩ. Thứ nhất tôi có thể tìm xem ở Athens có nhà hàng Việt Nam hay không. Cách này ở Istanbul tìm không ra nhưng biết đâu ở Athens có người Việt đang làm nhà hàng?

Cách thứ hai đơn giản hơn, lại chắc chắn đó là gọi thẳng vào toà đại sứ Việt Nam ở Athens hỏi xem họ có biết không? Với chủ trương phải biết thương “khúc ruột ngàn dặm” (nhưng có tiền) của Việt kiều, biết đâu họ có thể giúp đỡ mình được.

Nhưng thú thật, không biết các bạn thì sao chứ đối với riêng tôi, có một chút gì đó ngài ngại, không ổn khi tôi buộc phải liên lạc với toà đại sứ. Đồng ý họ cũng là người Việt như mình, cũng nói cùng một thứ tiếng giống mình, chắc cũng thích ăn cơm, húp canh chua cá lóc, nghe nhạc Phạm Duy như mình. Nhưng có một rào cản vô hình nào đó, một chút gì đó đắn đo, không cảm thấy hoàn toàn thoải mái tựa như tôi đang buộc phải liên lạc với một người mà tôi không có cảm tình cho lắm. Mặc dù vì hoàn cảnh mình cần phải liên lạc và nó chẳng liên quan gì đến cái thể chế quái đản mà họ đang đại diện.

Tôi thật sự có một ước mơ là trong tương lai, trong một ngày không xa, tôi sẽ không còn cảm giác này. Mà thay vào đó là một cảm giác gần gũi, thân mật, cảm thấy đây là nơi có thể bảo vệ, giúp đỡ mình mỗi khi đi xa, là biểu tượng của một dân tộc hiền hoà, yêu công lý, tôn trọng chính nghĩa tương tự như mỗi khi tôi bước vào toà đại sứ Úc.

Cũng chính vì cái cảm giác không thoải mái này mà tôi quyết định tự mình đi tìm nhà hàng Việt Nam ở Athens. Và các bạn có biết không? Trong tổng số gần 120 người Việt tỵ nạn được Hy Lạp nhận cho định cư cách đây gần 3 thập niên, tuyệt đại đa số trong nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên này đều làm nhà hàng!

Hôm tôi gặp anh Hoàng , một trong những chủ nhân nhà hàng Việt Nam ở Athens, anh còn kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện cười ra nước mắt của những tháng ngày nhọc nhằn làm người Việt tỵ nạn ở cái xứ mà anh bảo thoạt đầu chẳng ai biết nó là cái nước nào hay nằm ở đâu trên bản đồ thế giới!

Cũng nhờ anh Hoàng và 2 người bạn Việt Nam khác của anh là Hương và Hạnh mà trong vòng 2 ngày, tôi đã có dịp khám phá ra nhiều điều khác mà chỉ có người Việt ở Hy Lạp mới biết. Tôi đã được cho ăn gỏi gà pha dầu olive đặc chế để hợp khẩu vị người Hy Lạp. Gặp người Việt lấy vợ Philippines y như những cặp vợ chồng Việt – Philippies, tôi từng quen biết ở Palawan. Và đặc biệt hơn hết là được lái đến ngôi làng Marathon nguyên thuỷ, nơi cuộc chạy việt dã đầu tiên của nhân loại được bắt đầu từ chính làng này, nằm sát cạnh bờ biển Địa Trung Hải, cách thủ đô Athens chỉ độ chừng 1 giờ lái xe. Đối với một thằng thích chạy bộ như tôi, thú thật không còn gì “sướng” bằng!

Cảm ơn Hương đã giới thiệu cho mình biết thêm về quê hương của Socrates, có Acropolis, Marathon và nay là quê hương thứ hai của bạn. Cảm ơn Hạnh đã tận tình giúp đỡ mình từ miếng ăn cho đến những cú điện thoại gọi đó đây. Và nhất là anh Hoàng đã tình nguyện làm tài xế đưa đón em ra đến tận phi trường để em tiếp tục khám phá những chân trời mới.

Thật sự chính anh và các bạn mới là người đã cho em thấy một khía cạnh khác trong cuộc sống. Để thấy và tiếp tục cảm nhận được rằng đi chính là học. Và nếu may mắn, nếu cùng học, cùng đi được trên quãng đường ấy với những người mình gọi là đồng bào thì không còn gì hạnh phúc bằng.

Xin giả biệt Athens. Mong là tôi sẽ sớm gặp lại bạn.

Xin chào Rome. Cũng lâu rồi tôi mới có dịp trở lại thăm.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG